Hội thảo quốc tế về giáo dục Nhật Bản - ASEAN tại Hà Nội

Lưu Bình - Mạnh Thắng (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ tư, ngày 16/12/2015 11:00 GMT+7

Các đại biểu tham gia hội thảo.

VTV.vn - Hội thảo quốc tế về giáo dục Nhật Bản - ASEAN do Câu lạc bộ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày về hệ thống giáo dục của các nước ASEAN và Nhật Bản, cùng trao đổi về thực trạng và kinh nghiệm hợp tác trong giáo dục cũng như đề xuất phương án nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các bên. Một vấn đề cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu là việc giảng dạy ngoại ngữ, một phương tiện không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên, góp phần tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia.

PGS-TS Toshihiko Shine, Đại học Shizuoka, Nhật Bản cho rằng: “Nếu các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản hợp tác đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp của Việt Nam, hay về vấn đề nhân lực của Nhật Bản để từ đó tìm ra cách giải quyết, thì đó sẽ là phương hướng hợp tác hiệu quả”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hợp tác trong giáo dục - đào tạo giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á sẽ ngày càng được đẩy mạnh, từ chương trình học bổng, trao đổi sinh viên đến mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu. Việc đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục sẽ góp phần thu hút học sinh quốc tế đến các nước này. Tuy nhiên, trong quá trình này, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển hơn trong khu vực.

Theo PGS-TS Ngô Minh Thủy, Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Các trường học cũng phải tự vận động, đặc biệt là hệ thống trường tư trong chiêu mộ học sinh, sinh viên. Khi sự giao thương, hợp tác thoải mái hơn giữa các nước Đông Nam Á thì chắc chắn việc cạnh tranh để tìm học sinh giỏi, sinh viên giỏi, hoặc đơn thuần là số lượng học sinh, sinh viên sẽ trở nên khốc liệt giữa các nước Đông Nam Á, nếu như chúng ta không có thay đổi kịp thời”.

Tính đến năm 2014, số lượng lưu học sinh Đông Nam Á tại Nhật Bản là hơn 38.000 người, chiếm khoảng 20% tổng số lưu học sinh quốc tế tại quốc gia này. Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch thu hút 300.000 sinh viên quốc tế từ nay đến năm 2020. Trong khi đó, tại Đông Nam Á cũng đã hình thành hệ thống đại học ASEAN (AUN) với 30 trường đại học lớn của 10 quốc gia trong khu vực, một hệ thống được đánh giá là đang thực hiện tốt công tác thu hút học sinh quốc tế.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước