Rối nước là “đặc sản văn hóa” của cư dân trồng lúa nước Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh rối nước, hình thức rối cạn cũng đang mở ra nhiều xu hướng mới trong nghệ thuật múa rối Việt Nam. Lấy giá trị truyền thống làm nền tảng để sáng tạo những cái mới, rối cạn ngày càng chiếm vị trí nhất định trong đời sống tinh thần của người dân, trở thành công cụ quảng bá hữu hiệu đến bạn bè quốc tế.
Câu chuyện về người phụ nữ bất chấp khó khăn, nguy hiểm đi tìm con đã được các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long việt hóa từ chuyện cổ tích nước Nga “Hai cây phong”.
Những con rối được lấy cảm hứng từ chất liệu Việt Nam, từ áo tứ thân, khăn vấn cho đến đôi hài. Dù là thể loại được du nhập từ nước ngoài, thế nhưng rối cạn hoàn toàn mang đậm bản sắc Việt dưới bàn tay của những nghệ sĩ. Dựa trên cốt lõi giá trị văn hóa truyền thống hay nước ngoài, sự sáng tạo của họ đã thực sự để lại nhiều ấn tượng cho khán giả.
Trần Bình Minh, Sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết: “Thú vị nhất là các nghệ sĩ đã hát trực tiếp trong khi điều khiển con rối, điều này cho khán giả cảm nhận được cảm xúc chân thực của diễn viên, tính cách của từng nhân vật được bộc lộ khá rõ”.
Đổi mới trong nghệ thuật múa rối là điều tất yếu và cần thiết trong thời kỳ văn hóa hội nhập. Người nghệ sĩ không chỉ có nhiều đất diễn, mà khán giả cũng sẽ thêm cơ hội nâng cao đời sống tinh thần. Dù mang màu sắc truyền thống hay hiện đại, rối luôn là những công cụ hữu hiệu để phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, hướng người xem đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!