Người đưa nghệ thuật chạm, khảm đến các làng nghề

Vân Giang (thoisu@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 08/12/2014 06:00 GMT+7

Vua Trần Anh Tông nghênh đón Phật hoàng Trần Nhân Tông - một cảnh trong “Trúc Lâm Đại Sỹ xuất sơn đồ” (Ảnh: Báo TT-Huế)

Để đưa văn hóa Việt vào nghệ thuật chạm, khảm, ông Dương Đình Vinh, TP. Huế đã tạo khuôn mẫu là những câu chuyện, sự tích của người Việt Nam tặng miễn phí cho tất cả các làng nghề.

Một chiếc khay bằng gỗ được chạm khảm xà cừ tinh xảo, nhưng điều đặc biệt trên chiếc khay là có nhiều câu chuyện về dân tộc Việt Nam. Ở phần trung tâm là cảnh Hội nghị Diên Hồng, các phần xung quanh được chạm tích Hai Bà Trưng, cờ lau tập trận, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng.

Tác phẩm thứ hai là "Trúc Lâm Đại Sỹ suất sơn đồ" - bức tranh miêu tả cảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi thành đạo rời khởi động Vũ Lâm xuống núi, vua Trần Nhân Tông cùng các quan ra nghênh đón. Đây là những câu chuyện, sự tích về người Việt đã được ông Dương Đình Vinh đưa vào tác phẩm chạm khảm.

Có một thực tế là trên các vật dụng được làm bằng gỗ, đặc biệt là các tủ thờ hiện nay đều được khảm các tích của người Trung Quốc. Nguyên nhân là do thợ chạm khảm đã sử dụng những mẫu đó từ thời cha ông để lại cho đến bây giờ, còn khách hàng thì không hiểu hết các tích được khảm trên đồ gỗ. Trong thời gian gần đây, một số khách hàng yêu cầu thợ chạm những câu chuyện về dân tộc Việt trên tủ thờ gia đình - đây là một ý tưởng rất hay - nhưng người thợ không thực hiện được, vì không có mẫu.

Trước thực tế đó, ông Dương Đình Vinh đã phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Huế - những người họa sĩ tạo nên các bản vẻ về những câu chuyện, các sự tích của người Việt Nam, khi chọn được một mẫu thiết kế có tính ứng dụng cao, ông sẽ nhân bản và tặng miễn phí cho tất cả các làng nghề, nghệ nhân, các cơ sở mỹ nghệ, những nơi có nghề chạm khảm trên cả nước nhằm mục đích phát huy giá trị Việt, đem bản sắc Việt trở lại trong từng nét chạm khảm.

Ông Dương Đình Vinh - Thành phố Huế cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục công việc này để nhân rộng nét văn hóa Việt trong các gia đình Việt”.

Để những ý tưởng trở thành hiện thực, ông Dương Đình Vinh đã thực hiện 2 tác phẩm. Đó là chiếc khay lớn và bức "Trúc Lâm Đại Sỹ suất sơn đồ" để lấy ý kiến của các nhà chuyên môn. Mới đây, ông cũng đem 2 tác phẩm tham dự Hội thảo "Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt" được tổ chức tại TP.HCM và đã nhận được nhiều góp ý tích cực.

Hy vọng, từ những việc làm này sẽ giúp cho các làng nghề, các cơ sở chạm khảm tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mang bản sắc Việt, gần gũi với người dân Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước