Từ lâu, người Việt đã có cách nghĩ, kiểu làm mở cửa, giao thương với thế giới. Bước chân người Việt trên đường giao thương đã ghi dấu với phẩm chất cần cù, sáng tạo, dám đón nhận thời cơ, biết tạo dựng cơ hội. Quan trọng hơn, ở đâu, làm gì, người Việt vẫn đồng nhất một tinh thần vươn lên, ý chí không dừng bước, không chỉ để kinh doanh làm giàu, mà còn để khẳng định là người Việt đã đạt được những thành công đáng nể trên thương trường.
Andre Đặng Văn Nha, một tỷ phú gốc Việt, một nhà kinh doanh giàu có bậc nhất và có tầm ảnh hưởng tại New Caledonia. Xuất thân là con của những người lao động Việt Nam từng làm trong mỏ của người Pháp, Andre Dang đã vươn lên trở thành ông chủ mỏ nickel vô vùng nổi tiếng và giàu có. Người dân sở tại gọi ông là "Bí ẩn Đặng".
Andre Đặng Văn Nha khác thường ở sức chịu đựng phi thường. Ông không bao giờ chùn bước trước khó khăn, đã luôn chủ động tìm cách tạo ra những cơ hội kinh doanh từ những gì mà người khác không nhìn thấy và đón những luồng gió mới tiến về phía trước.
Còn với với doanh nhân Trần Ngọc Phúc, sự khác biệt lại đến từ một phát minh mang tính bước ngoặt trong việc chăm sóc trẻ sinh non tại Nhật Bản. Cách đây hơn 40 năm, các bé siêu sinh non nặng từ 500gr tới dưới 1kg gần như không có cơ hội sống. Ông Phúc đã làm được điều mà người Nhật chưa bao giờ làm là chế tạo máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh, góp phần cứu sống hàng chục nghìn trẻ sinh non.
Trong khi nhiều robot được chế tạo để phục vụ sản xuất, một người Việt trẻ thành công tại thung lũng silicon đã cùng nhóm bạn của mình chế tạo ra một loại robot rất độc đáo và hữu ích để phục vụ cuộc sống con người - Robot Ohmni. Được định vị là một robot gia đình, Robot Ohmni có thể làm nên những điều kỳ diệu là nói chuyện với bà già, biểu diễn tại London Fashion Week, giúp các em nhỏ bị ốm ở Australia trở lại trường học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!