Trong năm 2014, có 436 dự án đầu tư của Nhật Bản được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài lĩnh vực sản xuất và chế tạo từng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản, các lĩnh vực khác như tài chính, dịch vụ du lịch hay bán lẻ của Việt Nam cũng bắt đầu thu hút các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản.
Theo thống kê của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), số dự án mà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào ngành sản xuất ở Việt Nam trong năm 2014 đã giảm 53 dự án, vốn cũng giảm gần 30%. Tuy vậy, khảo sát của các tổ chức nghiên cứu tình hình kinh doanh khác lại cho thấy, đang có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào các lĩnh vực khác tại đây như dịch vụ du lịch, bán lẻ hay đầu tư tài chính.
Ngân hàng Mizuho chi nhánh Hà Nội là một trong những ngân hàng Nhật Bản đầu tiên mở chi nhánh tại Việt Nam. Hiện tại, ngân hàng này đang cung cấp dịch vụ cho hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Masahiko Sato, Tổng Giám đốc Ngân hàng Mizuho chi nhánh Hà Nội cho biết: “So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một đất nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu gạo và cà phê đứng đầu thế giới. Nhìn thấy những tiềm năng đó, chúng tôi đã quyết định mở chi nhánh tại Việt Nam. Hơn nữa, ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào đây nên chúng tôi thấy đó đều là những điều kiện tốt để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam”.
Việc Việt Nam và Nhật Bản liên tiếp mở các đường bay thẳng giữa các sân bay, thành phố giữa hai nước đã góp phần thu hút nhà đầu tư Nhật Bản trong các ngành công nghiệp không khói, đặc biệt là dịch vụ du lịch tại Việt Nam.
Ông Katsunori Takamoto, Giám đốc điều hành công ty du lịch APEX Việt Nam đánh giá: “Ngành du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Đầu tiên là số lượng chuyến bay từ Nhật Bản sang Việt Nam ngày càng tăng, số lượng khách sạn cũng tăng lên, cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng, bãi biển ở khu vực miền Trung cũng được khai thác nhiều cùng các di sản thế giới, nên tôi nghĩ ngành du lịch Việt Nam sẽ ngày càng được chú ý”.
Theo kết quả điều tra của Jetro về lý do mở rộng đầu tư tại Việt Nam, hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, đó là vì Việt Nam đang phát triển và có tiềm năng lớn. Hơn nữa, Việt Nam còn có số dân hơn 90 triệu người, đó là những yếu tố khiến doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đặt kỳ vọng vào Việt Nam.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro tại Hà Nội nhìn nhận: “Mặc dù lợi nhuận trong các lĩnh vực này còn thấp, nhưng Việt Nam đã cho các doanh nghiệp Nhật Bản thấy nhiều tiềm năng, triển vọng để phát triển nên họ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong tương lai”.
Theo nhiều chuyên gia, các dự án trong lĩnh vực sản xuất thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường nên việc giảm đầu tư vào ngành này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với môi trường đầu tư được cải thiện và thị trường nhiều tiềm năng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, du lịch, công nghệ thông tin hay bán lẻ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.