Hầu hết các hộ gia đình ở thôn Tri Lễ, xã Tân Ước đều làm nón lá. Ảnh: TP
Những năm gần đây, nón lá Tri Lễ được biết đến nhiều hơn nhờ những sản phẩm mới có kiểu dáng độc đáo, tiện dụng. Chính những chiếc nón này đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Để giữ nghề và tồn tại với nghề, những người thợ đã nỗ lực tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng mới, đồng thời cải tiến mẫu mã cũ.
Ông Nguyễn Trọng Bạn, Thợ nghề làm nón thôn Tri Lễ cho biết: “Nón truyền thống ngày xưa làm bằng lá trắng, có tới 20 vòng, khâu bằng móc. Ngày nay nón đơn giản, dễ đội, nhẹ, làm bằng lá già”.
Hiện nay nón lá Tri Lễ đã xuất khẩu ra một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên việc mở rộng thị trường đang gặp không ít khó khăn do việc sản xuất và kinh doanh vẫn chủ yếu là hộ cá nhân mà chưa theo hướng chuyên nghiệp.
Với tâm huyết muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng, cũng như ổn định thu nhập, người dân và lãnh đạo xã Tân Ước đều rất trăn trở về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước kiến nghị: “Người dân địa phương rất cần Bộ Công Thương quan tâm hơn đến lĩnh vực làng nghề, để nón lá thôn Tri Lễ trở thành hàng lưu niệm, có thẩm mỹ cao, có số lượng lớn để cung cấp ra thị trường quốc tế”.
Hiện xã Tân Ước đã có kế hoạch để phát triển, quy hoạch làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu cho người dân. Bên cạnh đó sự quan tâm của bà con người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài cũng là nhịp cầu giới thiệu các sản phẩm thủ công của Việt Nam ra thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.