Nuôi gấu vì mục đích thương mại: Cần thay đổi nhận thức

Nguyễn Nam - Mạnh Thắng (VTV4)-Thứ sáu, ngày 17/04/2015 07:06 GMT+7

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen. Ảnh: Infonet

VTV.vn - Đó là chia sẻ của Tiến sỹ Tuấn Bendixsen - Việt kiều Australia, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam.

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen là chuyên gia về thú y tại Australia. Sau một thời gian dài định cư cùng gia đình tại Australia, ông đã quyết định trở về Việt Nam, nơi ông đã được sinh ra, để phát triển sự nghiệp và đóng góp cho quê hương.

Với nỗ lực của Tiến sỹ Tuấn Bendixsen và các cộng sự, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đã ra đời từ năm 2007. Từ đó đến nay, Trung tâm này đã góp phần cứu hộ và nuôi dưỡng, bảo tồn hơn 100 cá thể gấu bị nuôi nhốt, hút mật từ khắp nơi trên cả nước.

Được biết, cách đây gần 20 năm, khi đó ông đang là nghiên cứu sinh và có công việc với thu nhập cao tại Australia nhưng ông vẫn quyết định quay về Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về quyết định này của mình?

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen: Lúc đó tôi đang làm cho Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia. Xuất phát từ phía gia đình, mẹ tôi muốn quay về Việt Nam. Thứ hai, tôi nghĩ mặc dù mình đang là nghiên cứu sinh, mình có thể làm gì tốt hơn. Mình là tiến sỹ thì cũng chỉ là một trong vài trăm tiến sỹ ở Austalia. Tôi muốn về Việt Nam để đóng góp cho khoa học Việt Nam tốt hơn.

Đến nay ông đã cứu hộ hàng trăm con gấu về Trung tâm Cứu hộ gấu tại Tam Đảo. Vậy chuyến đi cứu hộ nào để lại trong ông ấn tượng nhất?

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen: Tôi nhớ chuyến đi cứu hộ 19 con gấu tại Bình Dương, chúng được nuôi trong 3 container. Chúng tôi phải vất vả di chuyển gần 2.000km để đưa gấu về Tam Đảo an toàn. Chúng tôi di chuyển hết 4 ngày nhưng chỉ có 1 ngày được nghỉ.

Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được một số kết quả. Vậy theo ông sự ra đời của Trung tâm Cứu hộ gấu đã có tác động tích cực như thế nào đối với xã hội?

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen: Trước khi Trung tâm ra đời, các cán bộ kiểm lâm khi phát hiện gấu bị buôn bán, vận chuyển trái phép đã không biết đưa chúng về đâu, cứu hộ ra sao và làm gì để nuôi nên họ lại trả về các hộ nuôi. Khi Trung tâm ra đời, số lượng gấu được phát hiện ngoài tự nhiên đã giảm và Trung tâm đã tuyên truyền để mọi người hiểu mật gấu không phải là thần dược chữa bệnh.

Việc nuôi gấu vì mục đích thương mại đang là vấn đề xã hội của Việt Nam. Theo ông điều gì là quan trọng nhất trong việc bảo tồn gấu tại Việt Nam?

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen: Tôi nghĩ thay đổi nhận thức là quan trọng nhất. Mặc dù pháp luật có quy định về bảo tồn gấu, không nuôi hút mật nhưng người ta sẵn sàng vi phạm. Nếu không thay đổi nhận thức, tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn. Tôi nghĩ cần mời họ đến Trung tâm Cứu hộ gấu tại Tam Đảo tham quan để hiểu gấu là động vật hoang dã và cần được đối xử như thế nào để bảo tồn gấu ngoài tự nhiên.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước