Năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đờn ca tài tử ra đời khoảng cuối thế kỷ XIX, khi các nhạc sư, nhạc quan triều Nguyễn vào Nam, mang ca Huế truyền dạy cho những người yêu nhạc nơi đây.
Để phù hợp với văn hóa và lối sống của người dân miền Nam, trên cơ sở nhạc lễ cung đình, những điệu hò điệu lý sẵn có của Nam Bộ đã được cải biên, từ đó sáng tạo nên đờn ca tài tử.
Nhạc cụ trong đờn ca tài tử gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu. Sau này du nhập thêm một số nhạc cụ khác như đờn sến, guitar phím lõm, violon...
Đầu thế kỷ XX, phong trào đờn ca nhanh chóng lan rộng khắp Nam Bộ. Bài Dạ cổ Hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời vào năm 1919 là điểm nhấn góp phần làm cho Đờn ca tài tử Nam bộ phát triển rực rỡ hơn.