Tham gia TPP: 60% DN chưa cập nhật thông tin đầy đủ

Huyền Chi - Thành Duy (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ hai, ngày 27/07/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn-“Câu chuyện hội nhập kinh tế ASEAN hoặc gia nhập TPP được truyền thông rộng rãi nhưng các bước tiếp cận như thế nào hoặc quá trình đến đâu thì DN chưa được cập nhật đầy đủ".

Đó là chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp về Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. 2015 là một năm hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam với hai Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết kể từ đầu năm tới nay. Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán thêm 5 hiệp định thương mại, trong đó nổi bật là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vậy doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải chuẩn bị thế nào và cần những hỗ trợ gì để đón đầu cơ hội và thách thức mà các hiệp định này sẽ mang lại?

Hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết về những nội dung cơ bản của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà Việt Nam sẽ chính thức tham gia vào cuối năm nay.

Ông Phạm Văn Hải, Giám đốc điều hành Công ty HANVICO, nói: "Trong thời gian qua, cũng nghe trên phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là trên các kênh thời sự về hội nhập kinh tế ASEAN hoặc gia nhập TPP nhưng nói thật là các khâu như thế nào, các bước tiếp cận ra sao hoặc quá trình đến đâu… thì DN cũng chưa được cập nhật đầy đủ".

Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự thiếu thông tin đã dẫn tới việc chỉ khoảng 30% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể tận dụng được những ưu đãi thuế quan đến từ những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký.

Bà Phùng Thị Lan Phương - Trưởng nhóm FTA, Trung Tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: “Trong các FTA trước đây, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế quan rất thấp, chỉ khoảng 30%. Vai trò của VCCI cũng như các Hiệp hội rất quan trọng để cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần thông tin nhưng không phải chỉ là đưa cho doanh nghiệp những thông tin chung chung hay đưa thẳng cho doanh nghiệp văn bản hiệp định, họ sẽ không hiểu. Phải dưới cách thức nào đó để diễn giải Hiệp định thành ngôn ngữ dễ hiểu để họ có thể tiếp cận, đọc và hiểu, biết được hiệp định này quy định gì, liên quan gì đến ngành hàng của họ".

Là một trong những tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ cho ra mắt những cẩm nang hướng dẫn các nội dung cơ bản của một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội đến từ những FTA này. Bên cạnh những hỗ trợ này, bản thân doanh nghiệp cũng cần nỗ lực để cải thiện năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, nhìn nhận: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ là các doanh nghiệp rất yếu, kể cả kiến thức và thông tin thị trường. Chính vì vậy, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là cần phải cải thiện khả năng hoạch định chiến lược; thứ hai là khả năng quản trị; thứ ba là khoa học công nghệ - áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất cho doanh nghiệp và thứ tư là xây dựng chiến lược phát triển bền vững một cách chuyên nghiệp hơn nữa".

Hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 doanh nhiệp vừa và nhỏ, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Sự nỗ lực đến từ chính doanh nghiệp, phối hợp với sự hỗ trợ từ chính sách và các tổ chức, Hiệp hội là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước