Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này là những câu hỏi của người dân và doanh nghiệp về hai vấn đề “nóng” hiện nay. Đó là những nghi ngờ về tính hiệu quả sau khi một số nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên xả lũ, gây ra ngập lụt lớn cho vùng hạ du và câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục để tồn tại các hồ đập thủy điện tại khu vực này hay không?.
Một vấn đề cũng không kém phần nóng trong giới doanh nghiệp là tiến trình ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và người sẽ làm rõ các vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
‘ Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh: VTV Online)
PV: Thưa Bộ trưởng, sau khi nước ta gia nhập WTO, có nhiều ý kiến trái chiều về tác động của hội nhập quốc tế đến nền kinh tế khi nhiều doanh nghiệp không kịp chuẩn bị đã thua ngay trên sân nhà. Người dân băn khoăn liệu chúng ta sẽ được gì khi tiếp tục đẩy mạnh hội nhập vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, sau khi gia nhập WTO, chúng ta cũng lần lượt đàm phán với các đối tác về một số hiệp định khu vực tự do khác là TPP (hay còn gọi là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) gồm 12 nước tham gia, với 40% tổng GDP toàn cầu và 30% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Đây là bước tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán này. TPP là hiệp định được kỳ vọng có chất lượng cao, nhiều nội dung cao hơn mức cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nhưng nếu chúng ta đàm phán ký kết được hiệp định này, về mặt kinh tế, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cùng với nền kinh tế thế giới, trong đó có nền kinh tế lớn tiến hành tái cơ cấu cũng giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, gắn với đổi mới mô hình kinh tế nước ta.
Về mặt chính trị, tham gia TPP sẽ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Nói đến khu vực không thể không nói đến Việt Nam. Cho nên chúng tôi thấy có những mặt tích cực, tuy nhiên không tránh khỏi mặt hạn chế, ảnh hưởng mà chúng ta phải dự báo, đề phòng trước, nhất là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vào TPP - nông nghiệp sẽ gặp thách thức
PV: Theo Bộ trưởng thì ngành nào dễ bị tổn thương nhất khi chúng ta ký kết Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các doanh nghiệp này cần chuẩn bị gì?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Cũng tương tự như những hiệp định trước đây chúng ta đã đàm phán và ký kết, bên cạnh mặt tích cực thì tiêu cực ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất vẫn là nông nghiệp. Nước ta cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ khoa học hạn chế nên giá thành sản phẩm còn cao, thậm chí cao hơn so với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Vì vậy, việc mở cửa thị trường, nhập khẩu ít nhiều ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa. Lường trước được điều đó, trong đàm phán với các nước, chúng ta đã yêu cầu Hiệp định TPP là hiệp định cân bằng về lợi ích, có nghĩa là nước nào cũng có lợi ích và tính đến chênh lệch về trình độ phát triển.
Một nước phát triển chậm như Việt Nam cần có lộ trình thực hiện cam kết. Chúng ta sẽ thực hiện cam kết nhưng cần có thời gian, không thể thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với việc giảm thuế hay miễn trừ thuế. Đây là cách Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện và được các nước TPP nhất trí.
Mặt khác, trong thời gian này, những doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả bà con nông dân có thời gian khắc phục yếu kém, nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm. Đối với việc tham vấn doanh nghiệp, đây trở thành việc làm thường xuyên của đoàn đàm phán Chính phủ, của Bộ Công thương. Trong đó, tham vấn doanh nghiệp lớn, như: Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội dệt may. Đồng thời, chúng ta cũng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin thông qua Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI). Qua đó, tuyên truyền, giải thích rõ để doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được lợi thế, ưu đãi khi tham gia TPP và lường trước được khó khăn để có giải pháp khắc phục.
Khắc phục cơ bản thiếu sót trong quá trình phát triển thủy điện
PV: Thưa Bộ trưởng, người dân hiểu rằng, thủy điện tích trữ đủ nước để phát điện là cần thiết. Nhưng làm thủy điện mà gây tác hại cho môi trường mà xả lũ sai quy trình, gây ngập lụt lớn cho vùng hạ du, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng, đe dọa đến sinh mạng của nhiều người dân thì “lợi ít mà hại nhiều”. Vậy, người dân đặt ra một câu hỏi là chúng ta có nên tiếp tục làm thủy điện hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thời gian qua, dư luận xã hội, ý kiến của nhân dân và tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vừa qua, vấn đề thủy điện rất được quan tâm. Đánh giá về thủy điện, có ý kiến cho rằng, thủy điện có đóng góp tích cực cho đời sống xã hội. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện gây nhiều tiêu cực, qua thực hiện chức trách nhiệm vụ Chính phủ trong các báo cáo trình Quốc hội tại các kỳ họp gần đây, đã phân tích rõ thực trạng của thủy điện. Quốc hội cũng thảo luận rất kỹ về nội dung này.
Trên tinh thần đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62 ngày 27/11 vừa qua. Đặc biệt Quốc hội ghi nhận sự đóng góp lớn của đồng bào ở vùng dự án nhất là đồng bào dân tộc cho sự phát triển thủy điện, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh mặt tích cực, kết quả đã đạt được trong quá trình phát triển thủy điện, Quốc hội cũng nêu ra những mặt tiêu cực. Đó là xung quanh vấn đề quy hoạch, chất lượng chưa đảm bảo. Xung quanh xây dựng công trình đảm bảo an toàn hồ đập chưa an toàn. Việc đền bù, di dân tái định cư không ít công trình làm chưa tốt, chưa thực sự được quan tâm.
Vấn đề trồng rừng diện tích đã mất chưa thực hiện nghiêm túc. Vấn đề vận hành hồ chứa có trường hợp chưa thực hiện đầy đủ quy định, chính điều này gây bức xúc cho dư luận và nhân dân. Chính phủ đã nghiêm túc có những biện pháp khắc phục bất cập này.
Theo tôi, chúng ta phải kiên quyết tìm và có giải pháp căn cơ hơn có thể khắc phục cơ bản thiếu sót trong quá trình phát triển thủy điện. Nếu làm được như vậy thì cần tiếp tục khai thác lợi thế của thủy điện. Bởi vì đây là nguồn năng lượng rẻ, có khả năng tái tạo.
Và nếu những công trình thủy điện thực hiện đồng bộ, hiệu quả kể cả về phát triển điện cũng như đảm bảo an toàn người dân và công trình thì chúng ta nên làm. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiên quyết dừng, loại khỏi quy hoạch những công trình không đạt hiệu quả kinh tế xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường, không đảm bảo an toàn cho người dân và không thực thi nghiêm túc quy định vận hành thủy điện.
PV:
Vậy Bộ Công thương là cơ quan chịu trách nhiệm quy hoạch thủy điện có những giải pháp gì để góp phần giảm thiểu thiệt hại, tác dụng phụ của thủy điện, đặc biệt là công tác ban hành và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong quá trình chúng ta thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, các tổng sơ đồ quy hoạch điện qua các giai đoạn, đặc biệt thực hiện Nghị quyết của Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiêm túc nhìn nhận phân tích mặt hạn chế và báo cáo Chính phủ giải pháp khắc phục.
Gần đây nhất, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, Chính phủ cũng đã bàn bạc kỹ về nội dung này, thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề về thủy điện. Đi theo nghị quyết đó có kế hoạch hành động chi tiết. Nội dung chính, đó là cần có chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế chính sách, vấn đề thắt chặt quản lý nhà nước trong quy hoạch thủy điện tập trung vào một đầu mối.
Vấn đề xem xét lại cơ chế phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện. Quan tâm hơn nữa đến việc di dân tái định cư, rà soát lại quy chế vận hành các hồ chứa, nếu thiếu thì phải ban hành; yêu cầu trồng bù đủ diện tích rừng bị thu hồi và xử lý nghiêm sai phạm. Trên tinh thần đó, Chính phủ có sự phân công về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện cho các bộ, ngành, địa phương.
Đối với Bộ Công thương, là cơ quan chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện, phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình thực hiện các dự án thủy điện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm trồng bù diện tích rừng thay thế và trình Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về đền bù tái định cư các công trình thủy điện. Đồng thời, rà soát lại các hồ chứa thủy lợi để đảm bảo an toàn.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ yêu cầu hoàn chỉnh văn bản và trình Chính phủ Quy trình vận hành an toàn hồ chứa. Đối với liên hồ chứa đã có quy trình vận hành nhưng thời gian qua thể hiện một số nội dung không phù hợp thực tế phải bổ sung sửa đổi cho phù hợp.
PV: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết lộ trình ban hành các quy trình vận hành liên hồ được thực hiện như thế nào. Cụ thể trong số 11 hệ thống sông hiện nay thì có bao nhiêu hệ thống có quy chế vận hành liên hồ?.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nghị quyết 62 của Quốc hội đã yêu cầu trong năm 2014 phấn đấu ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Trong chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu cụ thể hơn.
Đó là đối với liên hồ chứa chưa có quy trình vận hành về mùa mưa phải trình để Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014. Đối với quy trình vận hành liên hồ chứa đã có nhưng vừa qua thấy rằng có yếu tố không phù hợp với thực tế phải rà soát, chỉnh sửa để trình Chính phủ ban hành quy chế bổ sung.
Riêng đối với quy chế vận hành liên hồ chứa trong mùa khô, phấn đấu làm sao sớm ban hành quy trình này.
Hiện nay, trong số 11 hệ thống liên hồ chứa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy trình, còn 6 quy trình phấn đấu sẽ xây dựng và trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!.