Kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, ngành ghép tạng Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể với việc thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó. Tuy vậy, việc thiếu người hiến tặng mô tạng vẫn luôn là vấn đề lớn. Trong khi đó, nhiều nước đã có những biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Bệnh viện Việt Đức, một trong hai trung tâm ghép tạng lớn nhất cả nước hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn tạng. Nguồn tạng để ghép cho người bệnh ở Việt Nam và thế giới chủ yếu đến từ người cho chết não. Tuy vậy, tại đây suốt 5 năm qua mới chỉ 27 ca chết não đồng ý hiến tạng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Trưởng khoa ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Tại hội nghị ghép tạng lần thứ 13 của thế giới diễn ra tại Hàn Quốc, phần chủ yếu không phải bàn về kỹ thuật, mà bàn về việc phải vận động làm sao để có người hiến tạng”.
Tại Việt Nam, nhiều chiến dịch vận động đã được tổ chức với sự tham gia của các quan chức Chính phủ. Trong năm 2015, đã có hơn 3.500 lá đơn đăng ký hiến tạng. Việc làm thủ tục tuy đã tạo điều kiện cho người hiến nhưng vẫn còn nhiều khâu, bước do vẫn chưa có một hệ thống quản lý bệnh án thống nhất trên cả nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Trưởng khoa ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức: “Tôi tin rằng nếu áp dụng những biện pháp của thế giới một cách đồng bộ thì sẽ có nhiều người hiểu được vấn đề này và sẽ có nhiều tạng để ghép”.
Mặc dù có khởi đầu muộn, nhưng ngành y Việt Nam và ngành ghép tạng nói riêng đã phát triển và có các thành tựu đáng kể. Bằng việc áp dụng những bài học kinh nghiệm và mô hình của nước ngoài, sẽ có nhiều người đến đăng ký hiến tạng hơn và cũng sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!