Khách hàng nước ngoài tìm đến cơ sở ươm tơ dệt lụa tại Lâm Đồng để tham quan các mặt hàng cao cấp. Ảnh: Báo Lao động
Nói đến lụa tơ tằm, không ai không biết đến các làng lụa lâu đời ở nước ta như Vạn Phúc (Hà Nội), Mã Châu (Quảng Nam), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Tân Châu (An Giang). Dù chất lượng được đánh giá cao nhưng lụa tơ tằm tự nhiên từ các làng dệt tơ tằm truyền thống chỉ đến được với khách trong nước hoặc theo chân du khách với số ít sản phẩm. Ngay cả các nghệ nhân cũng thừa nhận những điểm yếu khiến lụa Việt Nam không đi xa hơn được.
Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, TP Hà Nội thẳng thắn: “Tơ tằm Việt Nam không thua kém về chất lượng so với tơ tằm thế giới, nhưng sản phẩm của Việt Nam thua kém về mẫu mã”.
Tuy nhiên, việc mẫu mã chưa được đa dạng, phong phú cũng không phải là vấn đề. Bộ phận kỹ thuật của các làng lụa có thể khắc phục được điểm yếu này, song để các sản phẩm tơ lụa của Việt Nam ra được với thị trường thế giới, không thể chỉ mỗi làng nghề tự tìm cách bươn chải, xây dựng chiến lược đưa sản phẩm của mình tiến xa hơn.
Ông Trần Hữu Phương, Phó Giám đốc HTX Tơ lụa Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam kiến nghị: “Việt Nam cần có một hiệp hội, một tổ chức để phối hợp chặt chẽ với các làng nghề, đặc biệt phải quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn cho công đoạn đầu ra, tức là phải tạo những sản phẩm ấn tượng đặc trưng và có giá trị trong lĩnh vực công nghệ thời trang. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm, các thương hiệu thời trang lớn chưa có sản phẩm tơ tằm Việt Nam”.
Một khi sản phẩm từ lụa tơ tằm được các hãng thời trang để mắt sẽ là cơ hội để quảng bá cho các làng nghề lụa ở Việt Nam. Để đưa lụa tơ tằm Việt Nam ra các nước trên thế giới, việc xây dựng mối liên kết của các làng nghề là giải pháp để duy trì và mở rộng ngành nghề ươm tơ, dệt lụa có từ lâu đời ở nước ta.
Ông Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam chia sẻ: “Các làng nghề, các cơ sở lụa gặp nhau ai cũng mong muốn có mối liên kết để tạo sức mạnh cho ngành lụa Việt Nam. Tuy nhiên chưa có cơ hội, chưa có một tổ chức nào đứng ra để gắn chặt sự liên kết đó để thắp lửa cho những trái tim nhiệt thành trong việc bảo vệ ngành lụa”.
Xây dựng mối liên kết các làng nghề tơ lụa truyền thống trên cả nước thông qua hình thức hiệp hội mới có thể giúp các làng nghề kết hợp với ngành thời trang để đa dạng hóa mẫu mã hoặc xuất khẩu các sản phẩm từ lụa tơ tằm. Với những giải pháp này, nghệ nhân các làng nghề hy vọng sẽ mang lại sự thay đổi cho các làng nghề tơ lụa Việt Nam để đưa tơ lụa Việt Nam ra thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.