Tối 13/3, tại khu vực trước đình làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hạ Đông) đã diễn ra lễ đón nhận Quyết định công nhận kỷ lục Việt Nam “Làng nghề dệt Lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng theo giấy xác lập kỷ lục số 1485/KLVN/2014 chính thức từ ngày 14/2/2014.
‘ Toàn cảnh buổi lễ đón nhận kỷ lục tại Vạn Phúc, Hà Đông
Lụa Vạn Phúc từ lâu được chọn để may quốc phục cho các đời Vua nhà Nguyễn. Với bề dày kinh nghiệm của nghề dệt lụa cổ truyền, với bàn tay khéo léo và thông minh sáng tạo của những người thợ dệt đã làm ra những tấm lụa mượt mà, mỗi khi khoác lên người thấy mềm mại nhẹ nhàng.
Hàng năm, sản lượng Lụa đạt trên 2 triệu mét với các loại như: Vân, Sa, Quế, Lụa,... hoa văn các loại đủ màu sắc, mẫu mã phong phú được tiêu thụ trong và ngoài nước và được bày bán trên 150 quầy hàng thuộc 3 dãy phố lụa tại địa phương. Mỗi năm Vạn phúc đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách du lịch trong nước và Quốc tế đến thăm quan và mua sắm.
Đặc biệt vào dịp 1000 năm Thăng Long- Hà Nội những mẫu lụa của các nghệ nhân Vạn Phúc đã giành được nhiều giải thưởng từ thành phố đến trung ương, được tặng bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội. Năm 2011, Lụa Vạn Phúc được phong tặng " thương hiệu vàng Thăng Long”…
‘ Bằng kỷ lục “Làng nghề dệt Lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” Vạn Phúc.
Trong những năm gần đây, với mục tiêu xây dựng làng Vạn phúc trở thành làng nghề - làng du lịch. Được sự giúp đỡ chỉ đạo của các cấp xây dựng Vạn Phúc thành làng nghề - làng du lịch tiêu biểu, làng Vạn Phúc đang được quy hoạch khu nhà truyền thống làng nghề với diện tích 2000 m2 với những dãy nhà cổ, khung dệt cổ vừa phát triển sản xuất vừa phục vụ khách thăm quan và nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khác.
Năm 2011 - 2013, lụa Vạn Phúc được tặng “Thương hiệu vàng Thăng Long”. Trong nghị quyết của HĐND thành phố vừa qua, làng nghề lụa Vạn Phúc cũng được chọn là 1 trong 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cần được bảo tồn.
‘ Đoàn đại biểu trao kỷ lục tham quan phiên giao lưu đồ cổ, đồ xưa tại buổi lễ
Theo thần phả làng Vạn Phúc còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm và Ban quản lý di tích phường, Đức Thành Hoàng làng là Bà Ả Lã Đê Nương, niên hiệu sắc phong là Quốc vương Thiên Tử, Nga Hoàng Đại Vương . Tại Đình làng Vạn Phúc còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong thuộc các triều đại, Trần Lê, Nguyễn của Thành Hoàng làng Vạn Phúc. Các triều Vua đều phong tước " Đại Vương”, cấp "Thượng đẳng thần” và rất coi trọng y đức của Bà. Vào giữa thế kỷ thứ 9, Bà cùng chồng là tướng Cao Bền đi du ngoạn, đi qua đất Vạn Bảo ( làng Vạn Phúc) thấy " Núi sông uốn khúc, Long Hổ ôm quanh, có ngôi chùa bên ngoài khu dân cư, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng khí rồng xanh”. Nhân dân ở đây thuần hậu, Bà đã ở lại và dạy dân canh cửi tầm tang cho đến khi bà mất. Để ghi nhớ công ơn dân làng Vạn Phúc tôn thờ bà làm Thành Hoàng làng. Hàng năm, làng tổ chức lễ hội truyền thống để nhân dân Vạn Phúc tôn vinh tổ nghề, Thành Hoàng làng đã có công giúp dân lập ấp và truyền dạy nghề cho nhân dân. |