Tọa đàm Việt - Mỹ về tôn giáo và pháp quyền

Trường Sơn, Việt Hùng (Phóng viên VTV thường trú tại Mỹ - thoisu@vtv.vn)-Thứ năm, ngày 14/05/2015 19:48 GMT+7

VTV.vn - Cuộc tọa đàm đặc biệt có tên "Tôn giáo và pháp quyền ở Mỹ và Việt Nam - Một tiếp cận nghiên cứu so sánh" đã được diễn ra tại thủ đô Washington DC, Mỹ.

Trong hai ngày 11 và 12/5, tại thủ đô Washington DC, Mỹ đã diễn ra một cuộc tọa đàm đặc biệt có tên "Tôn giáo và pháp quyền ở Mỹ và Việt Nam - Một tiếp cận nghiên cứu so sánh". Cuộc toạ đàm do Viện Liên kết Toàn cầu của Mỹ phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên, các học giả và những người xây dựng pháp luật của hai nước Việt Nam và Mỹ gặp gỡ, so sánh và trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hệ thống luật pháp về tôn giáo.

Bốn chủ đề chính được tập trung thảo luận trong hai ngày tọa đàm là về vấn đề thừa nhận và đăng ký các tổ chức tôn giáo; vấn đề quyền sở hữu của các cơ sở tôn giáo; ứng xử với các tôn giáo mới và ứng xử với người nước ngoài có mang tín ngưỡng tôn giáo. Đây là những vấn đề có tính chất thiết thực đối với Việt Nam khi Việt Nam đang tích cực xây dựng Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo để trình Quốc hội vào tháng 10/2015.

Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội cho biết: “Các học giả Việt Nam học được nhiều kinh nghiệm làm luật, đặc biệt là các vấn đề điều chỉnh tự do tôn giáo trong xã hội mới, xã hội tiến bộ, luật phải như thế nào, chính sách phải như thế nào để vừa đảm bảo nguyên tắc là pháp luật của Nhà nước nhưng đồng thời vừa đảm bảo tính tự do, tính độc lập hoạt động tương đối của các cơ sở tôn giáo”.

Tại cuộc toạ đàm, các học giả và những người xây dựng pháp luật của hai nước Việt Nam và Mỹ đã trao đổi thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề gai góc liên quan đến việc xây dựng hệ thống luật pháp về tôn giáo để từ đó có sự đồng cảm, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau hơn.

Ông Chris Seiple, Chủ tịch Viện Liên kết Toàn cầu (IGE) nói: “Trong quá trình tư vấn này, chúng tôi có thể học tập lẫn nhau, chúng tôi có thể nhận ra rằng có thể quy định này phù hợp với chỗ này, quy định khác lại phù hợp với chỗ khác. Điều quan trọng hơn cả là những người có tín ngưỡng tôn giáo tự nguyện trung thành với Nhà nước vì họ biết rằng họ đang được tạo điều kiện để duy trì và phát triển bản sắc của mình”.

Theo các nhà làm luật Việt Nam tham dự tọa đàm, những kinh nghiệm và kiến thức thu được từ cuộc tọa đàm sẽ được ghi nhận và cụ thể hoá vào các nội dung của bản Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt nam vào cuối năm nay.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam  TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước