Một tháng sau ngày khai trương Tổng đài bảo hộ công dân, ông Lý Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã trả lời phỏng vấn báo chí và khẳng định, Tổng đài thực sự là công cụ thiết thực trong việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Thưa ông, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hoặc chưa có thông tin gì về Tổng đài bảo hộ công dân. Ông có thể giải thích rõ hơn?
Ông Lý Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: Tổng đài bảo hộ công dân là một trong những biện pháp mà Cục Lãnh sự phối hợp xây dựng cùng với Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Thực ra sáng kiến thành lập Tổng đài chúng tôi đã đưa ra và vận động xây dựng từ năm 2013. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Ngày 2/2/2015, Tổng đài đã chính thức khai trương với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Về cơ chế hoạt động, Tổng đài được xây dựng về kỹ thuật do Viettel phụ trách. Cục Lãnh sự đã phối hợp cùng Viettel xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ. Các điện thoại viên của Tổng đài được tập huấn và thường xuyên được Cục Lãnh sự cập nhật thông tin, nội dung bảo hộ công dân; nếu vấn đề người dân hỏi chuyên sâu về lãnh sự, điện thoại viên ấn nút, chuyển tiếp cuộc gọi đến cán bộ Cục Lãnh sự trực 24/24 giờ để trao đổi, hỗ trợ trực tiếp. Cục Lãnh sự hiện có 3 máy luôn kết nối với Tổng đài.
Phóng viên: Ông có thể cho biết hoạt động của Tổng đài sau 1 tháng?
Ông Lý Quốc Tuấn: Một tháng qua tính từ ngày 2/2, kể cả 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Tổng đài đã tiếp nhận tổng cộng 2.955 cuộc gọi, trung bình giải quyết 123 - 124 cuộc gọi mỗi ngày. Ngày cao nhất có 527 cuộc, ngày thấp nhất có 24 cuộc. Trong số các cuộc gọi trên, điện thoại viên tổng đài đã giải đáp 90% yêu cầu của người gọi, cán bộ Cục Lãnh sự tiếp nhận cuộc gọi khác, hỗ trợ những vấn đề chuyên môn sâu. Tính đến nay, Tổng đài và Cục Lãnh sự đáp ứng được 96% yêu cầu về bảo hộ công dân và pháp nhân.
Qua nội dung cuộc gọi 1 tháng qua, số cuộc gọi giảm đi so với thời gian đầu vì người quan tâm thông tin chung gọi ít đi, nhưng số người có vấn đề khó khăn thật sự gọi nhiều hơn.
Những con số và thay đổi cơ cấu trên chứng tỏ Tổng đài thực sự là công cụ thiết thực đối với người dân, là phương tiện hỗ trợ rất tốt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo ra một kênh làm việc trực tiếp giữa Cục Lãnh sự với những người gặp khó khăn hay thân nhân của họ để có biện pháp cần thiết giúp đỡ.
Tổng đài cũng giúp giải quyết vấn đề kỹ thuật gặp phải trước đây khi có sự kiện xảy ra với một bộ phận công dân ta ở nước ngoài. Ví dụ: Đợt sơ tán 1.700 công dân ra khỏi Libya trong năm 2014, một máy điện thoại cầm tay của Cục Lãnh sự trực bảo hộ công dân đã hoạt động liên tục trong hai tiếng rưỡi do số cuộc gọi đến quá nhiều và khiến chiếc máy bị cháy!
Phóng viên: Những vấn đề mà công dân và pháp nhân thường phản ánh qua các cuộc gọi là gì, thưa ông?
Ông Lý Quốc Tuấn: Đó là các vấn đề cần bảo hộ như mất giấy tờ, các thủ tục đi lại, lao động, vi phạm pháp luật sở tại... Các địa bàn mà công dân nhờ trợ giúp nhiều là Nga, Malaysia, Saudi Arabia… Khi nhận được phản ánh, Cục Lãnh sự đã thông tin ngay cho các Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để tìm hiểu và có biện pháp bảo hộ thích hợp.
Phóng viên: Cục Lãnh sự đã có biện pháp tuyên truyền như thế nào về Tổng đài để mọi người dân Việt Nam trên thế giới đều biết và có thể gọi khi cần thiết?
Ông Lý Quốc Tuấn: Ngay từ hôm khai trương, chúng tôi đã mời đại diện của nhiều Bộ, ngành đến tham dự như Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… Ngoài ra cũng mời đại diện đông đảo báo chí của Trung ương và Hà Nội đến dự và đưa tin. Cục Lãnh sự cũng đã thông báo cho 98 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 63 sở ngoại vụ của các tỉnh, thành và yêu cầu các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán nước ngoài đưa ngay thông tin về Tổng đài lên trang thông tin điện tử của mình, chú ý tuyên truyền cho người dân. Kết quả hoạt động ban đầu của Tổng đài cũng được chúng tôi thông tin rộng rãi.
Phóng viên: Ông có thể cho biết những khó khăn của Tổng đài hiện nay?
Ông Lý Quốc Tuấn: Hiện vẫn còn một số ít người dân chưa tin Tổng đài có thật tồn tại hay không hay chưa tìm hiểu kỹ phạm vi của tổng đài nên có vấn đề gì cũng gọi. Với công tác bảo hộ công dân, còn có một số vụ việc công dân phản ánh không trung thực. Ngoài ra, vấn đề thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng nước ngoài cũng khiến quá trình xử lý bị chậm lại.
Phóng viên: Còn khó khăn về kỹ thuật, nhân lực?
Ông Lý Quốc Tuấn: Về kỹ thuật, Tổng đài có thể trả lời cùng lúc 24 cuộc gọi, nhưng cũng có thể điều chỉnh tăng hơn hoặc giảm đi tùy theo số lượng khách hàng gọi đến. Về chuyên môn, Cục Lãnh sự đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các nhân viên tổng đài kiến thức về bảo hộ công dân, khái niệm về hộ chiếu, thị thực; về tình hình chung của công dân Việt Nam ở nước ngoài, về đặc thù địa bàn... Chúng tôi cũng đã thỏa thuận về phạm vi mà điện thoại viên có thể trả lời các cuộc gọi, các vấn đề ngoài phạm vi đó sẽ hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao.
Phóng viên: Trong thời gian tới, Cục Lãnh sự sẽ có biện pháp gì để phát huy hoạt động của Tổng đài?
Ông Lý Quốc Tuấn: Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về Tổng đài rộng rãi hơn, với những hình thức đa dạng hơn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viettel để bồi dưỡng thêm kỹ năng trả lời cho công dân cho các điện thoại viên; hai bên cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát huy hiệu quả hoạt động của tổng đài hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.