Không phân biệt bằng cấp - Vẫn còn nhiều nghi ngại

Đức Hạnh - Hữu Thành (VTV9)Cập nhật 10:08 ngày 18/07/2019

VTV.vn - Nguyên nhân của những lo ngại khi không phân biệt bằng cấp không xuất phát từ hình thức đào tạo, mà nằm ở chính chất lượng đào tạo từ lâu nay.

Một điều được dư luận quan tâm, thậm chí tranh cãi liên quan đến Luật Giáo dục sửa đổi là việc công nhận giá trị ngang nhau giữa bằng tại chức và bằng chính quy.

Có thể khẳng định, quy định không có sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo là một quy định tiến bộ. Đây cũng là xu hướng giáo dục của thế giới: chỉ một chương trình đào tạo, một chuẩn đầu ra cho một bậc đào tạo. Theo đó, dù học theo loại hình đào tạo nào (liên thông, văn bằng 2, trực tiếp hay trực tuyến, từ xa...), người học cũng phải theo một chuẩn chung và chỉ có một loại bằng. Sinh viên, học viên phải tích lũy đủ tín chỉ của chương trình mới cấp bằng.

Mục tiêu của quy định này là khuyến khích xã hội học tập, để việc học tập là suốt đời. Đây là một mục tiêu tiến bộ, vậy tại sao quy định này lại vấp phải sự tranh cãi, thậm chí khi luật đã có hiệu lực vẫn còn dấy lên những lo ngại? Nguyên nhân không xuất phát từ hình thức đào tạo mà nằm ở chính chất lượng đào tạo từ lâu nay.

Theo PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ở Việt Nam hệ vừa học vừa làm thường cắt xén về thời gian đào tạo, kiểm tra, phòng thí nghiệm…, dẫn đến quan niệm hệ này không tương đương với hệ chính quy. Nếu như ở hệ chính quy thí sinh phải trải qua kỳ thi tuyển sinh, tiêu chí xét tuyển gắt gao, việc tuyển sinh của hệ vừa học vừa làm có phần dễ hơn. Trừ một số trường tổ chức thi, đa số đều xét tuyển, miễn là tốt nghiệp THPT là có thể theo học.

Sinh viên hệ vừa học vừa làm cũng không bị áp lực trước chuẩn đầu ra khi một số yêu cầu được giản lược hoặc hạ thấp hơn so với hệ chính quy. Đối với hệ tại chức (hệ đại học vừa học vừa làm), chẳng có gì đảm bảo 100% người chọn học hệ này là để nâng cao chuyên môn thay vì hợp thức hóa chuyện bằng cấp.

Để các văn bằng thực sự ngang nhau về giá trị, điều quan trọng là nhà trường phải xây dựng được các chuẩn như nhau về chương trình, giáo viên, chất lượng quản lý đào tạo cho cả hai phương thức đào tạo. Ai cũng có nhu cầu học tập nhưng không phải ai cũng có đủ cơ điều kiện theo học ngay trường mình mong muốn. Học tại chức không có nghĩa chất lượng thấp bởi dù ở hệ nào thì quan trọng vẫn là người học có thái độ học tập như thế nào. Chính thị trường lao động là nơi đánh giá khách quan nhất.

Chỉ khi thay đổi tiêu chí tuyển dụng, chúng ta mới phần nào thay đổi định kiến và tâm lý xã hội về tại chức hay chính quy. Để các trường đảm bảo và duy trì đúng chất lượng đào tạo, công tác thanh kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nếu xảy ra vi phạm cần xử lý nghiêm. Có như vậy quy định về giáo dục đào tạo mới đi vào cuộc sống, đem lại sự tin tưởng cho người dân và các nhà tuyển dụng nhân sự.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.