Các bài viết trên báo điện tử Vnexpress, Dân trí và Facebook Thời sự VTV đã nhận được hàng chục lượt thích, với phần bình luận sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng, không thể cào bằng, chính quy vẫn phải hơn tại chức.
- Làm sao mà chuẩn của hai loại bằng này bằng nhau được? Thế hóa ra những ai theo học chính quy là lãng phí thời gian hay sao?
- Tôi không ủng hộ. Trước đây chúng tôi đi học thường có câu ca vui vui tếu táo: "Nông dân ăn ngô ăn khoai/ Sinh viên tại chức được hai là thường".
- Quảng Ngãi đã từng quy định sẽ loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay chưa có bằng đại học chính quy, tôi thấy thế mới đúng, đừng để bằng tại chức là cách hợp thức hóa, phủ sóng đại học.
Tuy nhiên, một số độc giả lại đưa ra quan điểm khác:
- Luật Giáo dục 2005 (hiện hành) cũng không có sự phân biệt giữa bằng tại chức và chính quy. Chúng ta nên làm theo Luật.
- GS Huỳnh Mùi - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thăng Long cho rằng: 'Mấu chốt không nằm ở giá trị tấm bằng, mà nằm ở việc xã hội sử dụng bằng cấp đó như thế nào".
- Loại hình đào tạo không quan trọng, bằng tại chức và chính quy cũng không quan trọng, quan trọng là thực lực, bây giờ người ta cần thực lực thì đừng quá quan trọng bằng cấp.
Vậy bằng đại học chính quy hay tại chức có giống nhau? Cách nhìn của nhà tuyển dụng và quan niệm về đề xuất trên như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và bà Lê Thị Kim, Giám đốc nhân sự của Công ty Man Power Group, một công ty quốc tế làm dịch vụ tuyển dụng cho rất nhiều công ty tại Việt Nam, sẽ chia sẻ ý kiến và quan điểm về đề xuất trên trong chương trình 90 phút để hiểu hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!