Đây là nội dung của Thông tư 22 của Bộ NN&PTNT có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, quy định nhằm chuyên nghiệp hóa lao động trên tàu cá, đảm bảo an toàn cho các chuyến biển. Tuy nhiên, hơn một năm qua, quy định này khiến các chủ tàu vốn đã gặp khó trong việc tìm kiếm lao động đi biển lại càng thêm khó.
Theo quy định, lao động trên tàu cá dài từ 15 - 24m phải có 3 chức danh gồm: thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy. Còn với những tàu cá từ 24m trở lên, ngoài 3 chức danh này phải có thêm chức danh thuyền phó. Để đảm nhận các chức danh, người lao động phải được đào tạo và có chứng chỉ. Các chủ tàu đều lâm vào tình cảnh chung là phải ngược xuôi tìm kiếm lao động đi biển có chứng chỉ theo yêu cầu.
Giữa "cơn sốt" khan hiếm lao động biển, việc tìm đủ lao động đi biển đã là khó, giờ đây lại là lao động có chứng chỉ đào tạo. Đặc biệt, chức danh thợ máy lâu nay thường được các thuyền trưởng kiêm nhiệm nên lúc này bị thiếu hụt trầm trọng. Nhiều chủ tàu buộc phải bỏ tiền lo cho bạn thuyền đi học để lấy chứng chỉ. Tuy nhiên, đặc thù lao động biển rất không ổn định, có bạn thuyền học xong, nhận được chứng chỉ nhưng lại không đi biển, chủ tàu cũng đành chịu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!