Một chuyến biển khai thác xa bờ nếu nhanh mất khoảng 20 ngày, còn thông thường kéo dài đến cả tháng tàu cá mới trở vào bờ. Cả tháng sống xa nhà, lênh đênh trên biển, công việc nặng nhọc và nhiều rủi ro chực chờ, bởi vậy nếu thu nhập không cao sẽ chẳng có mấy người muốn đi biển. Sau mỗi chuyến biển, tiền bán cá được chia theo tỷ lệ chủ tàu 40%, bạn thuyền 60%. Như vậy, thu nhập của lao động trên tàu cá phụ thuộc vào lượng cá nhiều hay ít, giá bán cá cao hay thấp. Trên thực tế, sản lượng và giá bán cá luôn bấp bênh.
Các chủ tàu cá nhiều lần tìm cách để thu hút lao động đi biển. Tuy nhiên, cuối cùng vòng luẩn quẩn vẫn tiếp diễn: tình trạng khan hiếm lao động khiến cho hiệu quả chuyến biển giảm sút - thu nhập của lao động biển sụt giảm - tiếp tục có thêm những lao động biển bỏ nghề.
Cả nước có trên 96.000 tàu cá, sản lượng khai thác mỗi năm đạt khoảng 3,6 triệu tấn. Một thực tế đáng lo ngại là gần đây, trong khi đội tàu tăng, năng suất khai thác lại giảm. Do đó, cùng với việc quy hoạch lại đội tàu khai thác, một yêu cầu khá bức thiết lúc này đối với ngư dân là phải đầu tư chiều sâu cho nghề khai thác. Khi đó, hiệu quả chuyến biển có thể được nâng cao, vừa tăng thu nhập cho lao động trên tàu cá, từng bước thu hút được lao động quay trở lại nghề khai thác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!