Điều khiến những ai đến với xưởng ươm tơ cũng đều thấy thú vị là những sợi tơ mỏng manh từ kén sẽ được lấy và đưa lên gằng, rồi ươm tơ, sấy tơ mà ít cần bàn tay công nhân phải can thiệp vào. Cả hệ thống máy móc đồ sộ, chỉ có 1 vài công nhân điều khiển. Chỉ có người trong nghề mới biết, từ khi tằm đóng xong kén là phải ươm hết tơ trong vòng 5 ngày. Nếu để thời gian lâu hơn, tằm biến thành ngài sẽ làm sợi tơ bị ảnh hưởng chất lượng. Là nguyên liệu tự nhiên 100%, để dệt 1m vải cần khoảng 500 con kén.
Có những loại vải dày hơn thì cần từ 2.000-2.500 con kén mới cho ra 1m lụa. Sau những công đoạn se tơ, dệt vải, các tấm lụa được chuội để làm tan keo sericin, sau đó đến công đoạn nhuộm, vải mới ăn màu tốt hơn… Lụa luôn đứng đầu bảng của chất liệu may mặc bởi đây là một sản phẩm từ protein thiên nhiên. Dạo một vòng tại xưởng ươm tơ và các không gian tơ lụa tại Bảo Lộc, người xem có thể đồng cảm với những kỳ công của người dân đã gắn bó và giữ gìn nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của Việt Nam lâu nay.
Chính vì làm từ nguyên liệu tự nhiên là những sợi tơ mong manh như vậy nên lụa tơ tằm cũng được coi là mặt hàng rất khó chọn và khó bảo quản. Là xứ sở dâu tằm tơ, các cửa hàng lụa tơ tằm luôn thu hút sự quan tâm của du khách khi đến thành phố Bảo Lộc. Cùng với tham quan sản phẩm tơ lụa, mối quan tâm của hầu hết khách hàng vẫn là làm sao chọn được lụa tơ tằm tốt.
Lụa tơ tằm của Việt Nam sản xuất thường có khổ vải hẹp, dưới 1m2. Một điều chắc chắn, sản phẩm từ lụa tơ tằm ít khi có giá rẻ. Đối với lụa tơ tằm của Bảo Lộc, tùy mức độ dày-mỏng của vải mà có giá 300.000-600.000đ/m. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như vải may trang phục, ca-vat hay khăn choàng, hiện nay, người tiêu dùng cũng có thể tìm thấy nhiều mặt hàng khác được dệt từ tơ tằm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!