Đồng thời, trong 2 tuần tới, Big C sẽ ký thêm với 100 nhà cung cấp để tiếp tục cung ứng hàng hóa vào Big C. Đây là cam kết của Tập đoàn Central Group trong buổi làm việc vào sáng 4/7 với Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương. Central Group cũng khẳng định cam kết ưu tiên mua hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của họ. Tuy nhiên, trước khi có buổi làm việc vào sáng 4/7 giữa tập đoàn này và Bộ Công Thương, ngày 3/7, Big C đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng doanh nghiệp và dư luận Việt Nam sau quyết định đột ngột của họ.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, sau vụ việc này, các nhà cung cấp nên rút kinh nghiệm, không nên chỉ phụ thuộc vào một siêu thị hay một kênh bán hàng duy nhất, qua đó luôn đảm bảo được thế chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Trước cửa văn phòng đại diện Central Group tại TP.HCM, chiều 3/7, hàng trăm lao động và chủ doanh nghiệp dệt may đã tập trung căng băng rôn, biểu ngữ phản đối động thái từ chối nhập hàng may mặc Việt Nam vào siêu thị Big C. Hiện chúng ta chưa thể biết chắc những hệ lụy có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp dệt may từ quyết định đột ngột này của Big C. Xung quanh lý do tái cơ cấu ngành dệt may để lý giải cho quyết định đột ngột của siêu thị Big C, có nhiều luồng dư luận khác nhau. Tuy nhiên, thực tế là siêu thị Big C đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng truyền thông bởi quyết định tạm ngừng bán hàng may mặc Việt Nam có thể làm giảm lòng tin của người tiêu dùng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!