Trung tâm chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai vừa mới cảnh báo: Số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc ethanol và methanol trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu gia tăng, tập trung chủ yếu vào thanh niên. Đặc biệt, có cả học sinh và trẻ vị thành niên. Trung tâm cho biết đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu dẫn đến suy gan, thận và phải lọc máu.
Các bác sỹ khuyến cáo, rượu là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh và ngộ độc rượu do ethanol cũng bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh gây tổn thương não. Đặc biệt, đối với trẻ vị thành niên nếu uống rượu nhiều có thể dẫn đến teo não và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Đây cũng là lý do, trong Luật phòng chống tác hại rượu bia đã có điều khoản cấm bán rượu cho trẻ 18 tuổi.
Ngộ độc rượu nguy hiểm nhất là khi uống phải các loại rượu giả, kém chất lượng – thường được bày bán tràn lan những ngày giáp Tết. Thế nhưng, tại nhiều làng quê, uống rượu vẫn là thói quen khó bỏ. Điều đáng nói, rượu mà họ uống là loại rượu nấu với giá bán rất rẻ và đa phần không rõ nguồn gốc.
Đã 6 năm rồi, Mang Sang mò mẫm trong bóng tối... Người đàn ông trụ cột trong gia đình, giờ, ngay cả việc nhà cũng không làm gì được. Điều nghiệt ngã ập xuống, sau một lần Mang Sang uống rượu. Khi đó 5 người trong làng tử vong. Mang Sang qua cơn nguy kịch nhưng mắt thì bị mù. Vụ ngộ độc rượu xảy ra vào giữa năm 2013 ở làng Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Nhiều vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra trong những năm qua ở miền núi tỉnh Ninh Thuận. Nhưng một điều khó hiểu, nhiều người ở làng đồng bào Raglai, sợ ngộ độc rượu nhưng rượu thì vẫn cứ uống ngày ngày.
Buổi sáng, trước khi đi làm - uống rượu. Trưa, thảnh thơi - lại uống rượu. Và lúc chiều tối - càng uống rượu nhiều hơn. Hầu như, ngày nào trong làng cũng có người say rượu.
Loại rượu mà người trong làng hay uống được bán ở các quán tạp hóa. 5.000 - 6.000 đồng là có ngay một xị. Người ta quen gọi, đây là rượu nấu. Còn ai nấu và nấu như thế nào thì chẳng ai biết được. Nói như vậy không có nghĩa là rượu bia bình thường là vô hại, vì nếu cứ uống nhiều và trong thời gian dài sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho sức khỏe.
Để giảm bớt tác hại của rượu bia cũng như để giảm các triệu chứng khó chịu sau một đêm say rượu, nhiều người đã truyền tai nhau các bí quyết, các "mẹo". Vậy, liệu các mẹo này có hiệu quả hay không?
Khi uống quá nhiều bia rượu, gan và thận sẽ phải làm việc quá tải xử lý chất cồn nạp vào cơ thể, dẫn đến làm chậm quá trình trao đổi chất và dễ bị viêm, nhiễm. Uống nhiều nước, nhất là những loại thức uống thể thao có chứa chất điện giải sẽ giúp điều hòa hoạt động này. Ngoài ra, uống cà phê cũng giúp kích thích bộ não làm dịu cơn đau đầu do bia rượu gây ra. Nên ăn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và giàu carbohydrate để bổ sung năng lượng.
Không nên tự ý uống các loại thuốc giảm đau khi đang say trước khi đi ngủ. Vì nhiều người nghĩ rằng sẽ giảm được cơn đau đầu vào sáng hôm sau. Hoàn toàn sai lầm, bởi theo các bác sĩ, chất Acetaminophen trong thuốc giảm đau khi hòa với rượu sẽ gây tổn thương gan.
Tóm lại, bí quyết quan trọng nhất mà các chuyên gia đưa ra là: đừng say sưa quá chén thì hôm sau sẽ không mệt mỏi.
Từ năm nay, nếu muốn lái xe thì người dân không được uống bất cứ một giọt bia rượu nào. Quy định này được sự tán thành rất cao vì đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan tới rượu bia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!