Một hot facebooker có đến gần 20.000 người theo dõi đã có một bình luận quả quyết cho rằng 1 dòng sản phẩm là kem trộn. Sau đó dẫn chứng nhiều lý do như không có nhà máy sản xuất tại Nhật, trên các trang web bán hàng bên Nhật không có, hay tại nước Nhật không có dòng sản phẩm này. Không chỉ đăng thông tin, bên cạnh còn dẫn chứng những nhân chứng, hình ảnh, phân tích để tạo thêm lòng tin cho người tiêu dùng. Tiếp theo sau đó là những bình luận lôi kéo người tham gia và tốc độ chia sẻ bài viết nhanh đến chóng mặt.
Hay với thông tin này đã được dẫn chứng bằng các video cãi nhau, những giấy tờ chứng minh dịch vụ tệ của một khu nghỉ dưỡng hạng sang tại Phan Thiết. Kết quả là nơi đây và những cái tên na ná dù không liên quan, không cùng ngành nghề đã chịu một cơn bão giận dữ của cộng đồng mạng sau khi clip được đăng, với hơn 10.000 đánh giá 1 sao và hàng loạt các bình luận tiêu cực từ cộng đồng mạng, trong đó không ít người là chưa hề sử dụng các dịch vụ này.
Mạng xã hội với nhiều công cụ nên dễ dàng thiết lập một mạng lưới thông tin, kết nối, tạo sự tin tưởng và dễ dàng trở thành một trào lưu lan rộng dù thông tin chưa hề được kiểm chứng. Vì thế, với những cá nhân hay tổ chức hiện nay đều lo sợ khi bị vướng vào các tin đồn trên mạng bởi nó sẽ gây ra hậu quả trực tiếp, tức thì và để chống chọi, chiến đấu với mạng ảo không phải là điều dễ dàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!