Trong số 60 hộ vi phạm vừa xây dựng, vừa trồng cây mật độ dày trên phạm vi giải phóng mặt bằng từ năm 2018 đến tháng 5/2019 ở huyện Bắc Bình, thì riêng xã Bình Tân đã là 43 trường hợp. Theo đại diện xã này, dù hành vi vi phạm đã rõ, thế nhưng nhiều hộ vẫn nghĩ ra đủ các lý do biện hộ.
Là đơn vị thực hiện chính sách bồi thường, đại diện Trung tâm phát triển qũy đất huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, trường hợp của xã Bình Tân có dấu hiệu trục lợi khá rõ ràng.
Ông Đào Công Danh - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận khẳng định: "Đối cây xoài, người ta quy định mật độ để cho hiệu quả phát triển cao nhất thì chỉ có là 600 cây/ha. Tuy nhiên ở đây, nó có một chuyện bất thường vừa qua tại xã Bình Tân. Họ trồng quá dày đặc. Ví dụ như trường hợp anh Đoàn Phú mà chúng tôi kiểm tra. 1,3 hecta thu hồi mà có đến 6.950 cây xoài và khoảng gần 3.200 cây mít nữa, và thêm 300 cây sầu riêng nữa. Không có một quy trình nào mà người ta trồng cây kiểu đó."
Chính quyền tỉnh Bình Thuận khẳng định sẽ không có chuyện bồi thường cho công trình xây không phép cũng như tất cả số cây các hộ trồng. Một bài toán kinh tế với những hậu quả nhãn tiền cho những hộ trục lợi. Bởi theo các nhà trồng trọt, 1 hecta để đầu tư trồng 600 cây xoài thì chi phí giống, phân bón, nhân công... xấp xỉ gần 200 triệu đồng. Nhưng đơn giá bồi thường với cây xoài loại A là 380.000 đồng. Nếu vượt mật độ, lại trồng dưới 4 năm như những hộ trục lợi thì chỉ được 20% đơn giá, tức là chỉ 76.000 đồng/cây và chỉ được đền bù với 600 cây. Vậy số tiền đền bù cho những hộ cố tình trồng nhiều, trồng dày đặc đến mấy cũng chỉ là hơn 45 triệu đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!