Trong tuần qua, một con cá nhà táng đã chết do bị mắc cạn và dạt vào bờ biển Scotland. Người ta đã kinh ngạc khi thấy trong bụng nó là khoảng 100kg rác đủ loại như: lưới cá, dây thừng, ly nhựa, túi, găng tay và bao bì. Các chuyên gia chưa thể xác định liệu số lượng rác này có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của loài động vật có vú thuộc bộ cá voi này hay không. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo nên mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa.
Tờ National Geographic dẫn một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy, từ những năm 1950 đến nay, toàn thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa. Trong đó, khoảng 6,3 tỷ tấn đã bị vứt bỏ. Trong tổng số nhựa bị vứt bỏ này, chỉ 9% được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại chiếm tới 79% đã tích lũy trong những bãi chôn lấp hoặc đổ vào các đại dương.
Nếu vẫn tiếp tục xu hướng sản xuất và quản lý như hiện nay, khoảng 12 tỷ tấn chất thải nhựa sẽ được đổ vào bãi chôn lấp hoặc đại dương vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa là vào năm 2050, lượng rác thải nhựa ở đại dương sẽ nhiều hơn lượng cá nếu tính theo trọng lượng. Dự đoán này là không bất ngờ khi nhiều nơi trên thế giới đang dần xuất hiện các đảo rác.
Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn gây tổn thất lớn về kinh tế cũng như sức khỏe con người. Các hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người vì vốn dĩ nó phải mất đến 1.000 năm mới có thể tiêu hủy hoàn toàn, trong khi tuổi thọ trung bình của con người trên thế giới hiện chỉ khoảng 72 tuổi. Và một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, số lượng hạt vi nhựa trong nước biển cao gấp hàng triệu lần so với tính toán trước đây.
Ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới sau biến đổi khí hậu. Vì vậy, các chuyên gia về môi trường đang cố gắng tìm ra những giải pháp khả thi để khắc phục vấn đề ô nhiễm đại dương này.
Thế giới đang cần nhiều dự án xanh để đánh thức ý thức về bảo vệ môi trường của con người. Chính mỗi người chúng ta sẽ là một nhân tố tạo ra thế giới xanh, điều đầu tiên mà ai cũng có thể làm là nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần. Việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!