Công viên văn hoá Phú Nhuận mỗi sáng trở thành điểm đến của không chỉ người dân liên phường 1, 2, 7 quận Phú Nhuận mà còn từ Bình Thạnh, Gò Vấp. Bởi không chỉ là công viên duy nhất trong khu vực, ở đây còn có nhiều loại hình vận động.
Những thiết bị tập luyện ở đây chỉ mới được lắp đặt năm 2011 cùng với sân chơi dành cho trẻ em. Để phục vụ thêm cho người dân các dịch vụ khu vực xung quanh chưa có, công viên này còn quy hoạch, xã hội hóa thêm phòng tập thể hình và hồ bơi. Tuy nhiên, đã là dịch vụ thương mại thì sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1. Và hiện giờ khu dịch vụ như vậy đang chiếm 1/4 trong số 2,8 ha đất công viên. Người dân kỳ vọng sẽ có sự sắp xếp lại, trong đó có cả sắp xếp lại khu dịch vụ xã hội hóa phù hợp thực tế, không lấy nhiều diện tích đất công viên.
Dẫu từng được đánh giá là mô hình thí điểm tốt trong cải tạo không gian công cộng nhưng với bối cảnh phát triển như hiện nay, khi TP.HCM khó có thể có thêm công viên hay mở rộng các công viên cũ thì có nên chăng vẫn tiếp tục duy trì những mô hình xã hội hoá gây mất diện tích công viên?
Theo một báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc với Thường trực UBND TP.HCM vào cuối năm 2018, với tiến độ đầu tư xây dựng công viên cây xanh khoảng 9,8 ha mỗi năm thì thành phố cần 1.000 năm nữa mới hoàn thành quy hoạch công viên cây xanh là gần 11.500 ha. Vì vậy, xã hội hoá công viên là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ cũng như tạo thêm nhiều sản phẩm giải trí cho công viên. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: xã hội hoá như thế nào để tránh vết xe đổ mất đất công viên?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!