Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền trên không gian số

Trương Thủy - Nguyễn VânCập nhật 08:48 ngày 19/10/2019

VTV.vn - Tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, trò chơi giải trí… đều có thể bị sao chép chỉ trong chớp mắt và vô cùng khó kiểm soát bởi tính vô hạn, xuyên biên giới của môi trường số.

Chúng ta đang sống ở thời đại mà cả thế giới có thể thu vào màn hình một chiếc điện thoại. Thống kê mới nhất cho thấy, thuê bao cũng như doanh thu truyền hình trực tuyến tăng trưởng mạnh với tốc độ tới 50 %/năm, gấp hàng chục lần so với tăng trưởng của truyền hình truyền thống.

Bên cạnh phim truyền hình, bóng đá cũng là lĩnh vực diễn ra việc vi phạm bản quyền trầm trọng nhất. Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày giải Ngoại hạng Anh khởi tranh, K+ đã phát hiện gần 2.400 đường link vi phạm bản quyền. Chỉ tính trên số lượt hơn 2 triệu người xem bị khóa trên Facebook trong tháng 8, K+ bị thiệt hại ít nhất 25 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng.

Chưa bao giờ các trang web lậu lại dễ dàng làm ăn đến thế, "1 vốn 4 lời". Mất một chút tiền mua dịch vụ lưu trữ dữ liệu, các trang web lậu không phải đóng thuế, trả tiền bản quyền, chỉ cần copy lại sản phẩm mồ hôi công sức của người khác và ung dung hưởng nguồn tiền quảng cáo khổng lồ. Trên thực tế, web lậu lãi lớn còn đơn vị chân chính lại thiệt hại trăm bề trong cuộc chiến này.

Mảng điện ảnh cũng "trầy trật" không kém. Fim+ là một trong những ứng dụng xem phim bản quyền lớn nhất Việt Nam được điều hành bởi Công ty Galaxy. Bốn năm qua kể từ khi triển khai ứng dụng, đơn vị này gặp không ít sóng gió bởi nạn chiếu lậu. Bộ phim Chị Mười Ba mới ra mắt ngay lập tức đã bị copy về gần 20 trang web khác. Tính theo phí xem phim hiện hành là 50.000 đồng/lượt xem trên Fim+, ước tính hơn 100 tỷ đồng đã bị thất thoát. Phim bom tấn Avengers cũng chịu số phần tương tự với ước tính gần 150 tỷ đồng đã bị thất thu. Trên thực tế, thiệt hại còn lớn hơn nhiều vì chưa tính đến các chia sẻ trên nền tảng YouTube, Facebook.

Thiệt hại về tiền của và cả uy tín cho những ai làm ăn chân chính, cuộc chiến bảo vệ bản quyền đang là một cuộc chiến không cân sức mà cán cân có lợi lại chỉ nghiêng về phía web lậu. Chẳng cần vất vả cũng có thể tìm ra hàng trăm trang web như vậy. Phát hiện thì dễ, nhưng dường như con đường để xử lý còn rất luẩn quẩn, lòng vòng.

Cực chẳng đã, tháng 8/2019, lần đầu tiên Truyền hình số vệ tinh K+ bắt tay với Công ty BHD và Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ khởi kiện hình sự một trang phim chiếu lậu, một việc chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Đó cũng là điều đáng mừng, thể hiện sự quyết liệt của những đơn vị làm ăn chân chính.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, trong không gian Internet, cần ưu tiên thực hiện biện pháp ngăn chặn mang tính kỹ thuật, đơn giản như: chặn truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền, điều này doanh nghiệp không thể tự làm. Thay vào đó, cần sự quyết tâm thực chất, đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước. Ở góc độ người dùng, nếu mỗi chúng ta kiên quyết tẩy chay những trang web kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt người khác, chúng sẽ không còn đất sống.


Hạn chế liên quan đến vi phạm bản quyền trên không gian số Hạn chế liên quan đến vi phạm bản quyền trên không gian số

VTV.vn - Khởi kiện yêu cầu bồi thường 9 tỷ đồng vì vi phạm bản quyền phim Gạo nếp gạo tẻ trên Internet là vụ mới nhất bộc lộ hạn chế liên quan đến vi phạm bản quyền số


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.