Lý do là việc vận chuyển heo liên tỉnh vẫn diễn ra hằng ngày bằng nhiều đường khác nhau, nên việc kiểm soát, tiêu độc khử trùng nếu không làm tốt sẽ rất dễ mang mầm bệnh vào các địa phương chưa có dịch bệnh. Đáng chú ý tình trạng vận chuyển, giết mổ heo không rõ nguồn vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên đàn heo với tỷ lệ chết lên đến 100%.
Cái khó của ĐBSCL là số hộ chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nếu người nuôi giấu bệnh, mầm bệnh có thể theo những con sông, rạch lây lan nhanh sang các địa bàn khác.
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, hiện các địa phương tại ĐBSCL cũng đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch tả heo Châu Phi. Trong đó, Bạc Liêu cho thành lập đến 10 chốt trạm kiểm dịch. Ngoài việc kiểm tra, tiêu độc khử trùng thì điểm mới là tại các chốt, trạm còn có cả chuồng giữ heo tạm.
Còn đối với đàn heo trong dân, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo ngành thú y phải hỗ trợ phun xịt vệ sinh chuồng trại cho người chăn nuôi. Quan trọng hơn là địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng chống dịch bệnh, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bạc Liêu hiện có hơn 20 cơ sở giết mổ tập trung với khoảng 450 con heo được giết mổ mỗi ngày. Tỉnh kiên quyết đóng cửa các đơn vị giết mổ heo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là biện pháp mạnh nhằm hạn chế tối đa việc mua bán, vận chuyển heo có mầm bệnh, nhất là dịch tả heo Châu Phi./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!