Khuya ngày 20 tháng 6, bờ sông Trà Nóc thuộc quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ đã bị sạt lở 70 mét. Có 13 căn nhà bị hư hỏng, có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Đến cuối tháng 6 này, có hơn 20 vụ sạt lở bờ sông xảy ra ở Thành phố Cần Thơ. Còn ở Hậu Giang, 33 điểm đang bị sạt lở nghiêm trọng. Điều đặc biệt là sạt lở xảy ra liên tiếp ngay đầu mùa mưa thay vì mùa lũ như trước đây. Theo các nhà khoa học, hiện tượng bất thường này có liên quan đến đợt hạn hán khốc liệt vừa xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo PGS - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, khô hạn làm cho mực nước ngầm và nước sông bị cạn, khiến đất co ngót. Khi mưa xuống sẽ làm cho đất bị xáo trộn, phía trên là nhà cửa, hạ tầng, làm đất bị áp lực sụp xuống.
Trước những diễn biến trái quy luật, giải pháp mà các địa phương đang triển khai là phải tăng cường kiểm tra bờ sông, sớm phát hiện những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Dự báo của các nhà khoa học là tình trạng sạt lở sẽ còn kéo dài và dự kiến sẽ diễn biến dữ dội hơn khi mà ĐBSCL vào mùa nước nổi. Bởi lúc đó nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về mạnh sẽ khiến đất đai bị sạt lở hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!