Hiện trường vụ sạt lở đất sáng 14/6, dọc theo bờ rạch Cái Sao, thuộc phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN.
Tình hình sạt lở đang diễn ra hết sức phức tạp ở đây. Mới nhất, khoảng 8h30 ngày 14/6, bờ rạch Cái Sao, thuộc phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, An Giang đã bị sạt lở hơn 60m. 15 căn nhà của người dân trong vùng nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn.
Hầu hết các địa phương khác như Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Cần Thơ cũng đều xảy ra sạt lở. Nghiêm trọng nhất là TP Cần Thơ khi 5 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 17 vụ sạt lở, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Chuyện sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long không phải là mới nhưng mỗi năm nó lại diễn biến dữ dội hơn. Thường thì vào mùa nước nổi hay mùa lũ, ĐBSCL mới xảy ra sạt lở. Nhưng hiện tại chỉ mới bắt đầu mưa đã xảy ra sạt lở dữ dội. Nguyên nhân được nhiều nhà khoa học lý giải là do mùa khô năm nay kéo dài hơn 6 tháng. Nắng nóng đã khiến đất bị khô và co ngót lại. Khi mưa xuống, nước ngấm vào đất khiến đất bị bở ra gây sạt lở nhiều nơi.
Các nhà khoa học dự báo tình trạng sạt lở sẽ còn kéo dài và dự kiến sẽ diễn biến dữ dội hơn khi vào mùa nước nổi. Bởi lúc đó, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về mạnh sẽ khiến đất đai bị sạt lở nhiều hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!