Tuy là vùng sông nước, các tuyến đường bộ vẫn là con đường phát triển kinh tế - xã hội chủ đạo của ĐBSCL. Tuyến Quốc lộ 1A tuy đã thông suốt nhưng lâu nay vẫn trong tình trạng quá tải trước áp lực quá lớn của nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Trục đường mới N2 từ dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong đang dần hình thành với điểm nhấn là cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống đã mở ra hướng phát triển mới cho các địa phương.
Ngày 27/5/2018, cầu Cao Lãnh với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng được khánh thành. Mới đây, vào ngày 19/5/2019, cầu Vàm Cống được chính thức thông xe. Như vậy, tuyến N2 đã cơ bản thông suốt từ TP.HCM đến thành phố Cần Thơ. Đoạn từ Rạch Sỏi (tỉnh Kiên Giang) đến Vàm Cống (tỉnh Đồng Tháp) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2020. Được hưởng lợi từ trục đường mới này, thành phố Cần Thơ dự kiến sẽ có thể lấp đầy 2 khu công nghiệp Thốt Nốt và khu tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Thạnh.
Theo Bộ GTVT, trong tương lai gần, ĐBSCL sẽ có thêm một số công trình giao thông quan trọng như: cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, nhiều khả năng sẽ có thêm tuyến cao tốc ngang từ Châu Đốc, Long Xuyên (tỉnh An Giang), qua thành phố Cần Thơ về tỉnh Sóc Trăng. Tuyến này cũng kết nối với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Theo nhiều chuyên gia, hạn chế về hạ tầng giao thông là một trong những nguyên nhân khiến ĐBSCL chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Việc tháo gỡ những ách tắc về hạ tầng cũng để tạo điều kiện cho các loại nông sản chủ lực của vùng có thể đi xa hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!