Dịch chuyển lao động có giảm bớt thất nghiệp do Covid-19?

Tấn Quýnh (VTV9)Cập nhật 10:06 ngày 26/08/2020

VTV.vn - Việc dịch chuyển là lẽ đương nhiên để may ra, người lao động có được việc làm. Nhưng liệu rằng, dịch chuyển lao động có dễ dàng giải quyết được bài toán thất nghiệp?

Một ngày như dài hơn với anh Võ Nguyên Huy. Công việc hướng dẫn viên du lịch mà anh đã gắn bó lâu nay, giờ chẳng còn việc để làm. Nhàn rỗi trong bao nỗi lo. Mất việc, nghĩa là mất sinh kế, nghĩa cuộc sống gia đình 2 vợ chồng và 2 đứa con rơi vào cảnh chông chênh.

Anh Huy không thể nhớ, đây là lần thứ mấy tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Những tháng qua, anh buộc phải tìm đến những công việc ở những lĩnh vực vốn chẳng liên quan gì đến nghề hướng dẫn viên. Những công việc mới, dù không đòi hỏi trình độ chuyên môn thì cũng chẳng dễ dàng gì.

Riêng lĩnh vực du lịch, ở tỉnh Khánh Hòa, ít nhất 17.000 lao động bị mất việc. Để tìm việc mới, họ phải dịch chuyển sang lĩnh vực khác.

Những tháng qua, ở tỉnh này đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ lao động từ lĩnh vực du lịch - dịch vụ sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp... Thế nhưng, việc dịch chuyển này không phải lúc nào cũng suôn sẻ đối với người lao động.

Biết là trắc trở, nhưng nhiều lao động buộc phải dịch chuyển từ lĩnh vực làm việc này sang lĩnh vực khác. Họ không còn lựa chọn nào khác. 4 năm gắn bó với công việc ngành xây dựng, giờ anh Dũng làm hồ sơ tìm việc khác ở lĩnh vực tài chính với hy vọng sẽ có được việc làm giữa lúc khó khăn dịch bệnh. Nhưng đó vẫn là hy vọng mong manh.

Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra dự báo, đến cuối năm nay, nguy cơ có đến 5 triệu người lao động trên cả nước gặp khó khăn do mất việc, giảm việc, giãn việc... Cơ cấu lao động lâu nay tiếp tục bị phá vỡ với làn sóng dịch chuyển lao động.

Dễ thấy nhất là nhiều lao động trong ngành du lịch chuyển sang các lĩnh vực khác. Điều này là bình thường bởi Covid-19 đang đẩy du lịch vào cảnh đóng băng, không dịch chuyển thì người lao động không có việc làm. Nhưng, việc dịch chuyển này đã phát sinh nhiều khó khăn đối với chính người lao động. Còn xét về tổng thể, thì ngành du lịch chắc chắn sẽ mất đi lao động tay nghề cao vốn không dễ để đào tạo.

Khám phá vẻ đẹp trong lòng đại dương. Bên cạnh du khách bao giờ cũng là đội ngũ hướng dẫn viên lặn biển. Không phải ai cũng làm được công việc này: vừa hướng dẫn, vừa trợ giúp, vừa bảo vệ du khách trong hành trình đi bộ dưới đáy biển.... Lặn biển là một trong ba lĩnh vực hoạt động của Sáng tạo Group và cũng là lĩnh vực mà để thu hút lao động vào làm việc, đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí và thời gian.

Vậy mà, 500 lao động của Sáng tạo Group, đến lúc này doanh nghiệp chỉ giữ được 1/5 và giữ thì cũng chỉ theo kiểu cầm cự được tháng nào hay tháng ấy.

Ở tỉnh Khánh Hòa, đến lúc này, hơn 2/3 lao động trong các khách sạn đã nghỉ không lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tương tự đối với lữ hành, có đến 90% lao động đã nghỉ việc. Làn sóng dịch chuyển lao động từ du lịch sang các lĩnh vực khác là khó tránh khỏi, trong đó có cả những lao động tay nghề cao.

Về phía các doanh nghiệp du lịch, lúc này khó khăn trước mắt chưa giải quyết được nên đành phải gác lại nỗi lo về nguy cơ thiếu hụt nhân lực trình độ cao một khi du lịch phục hồi.

Như vậy, việc dịch chuyển lao động diễn ra trong những tháng qua là sự dịch chuyển tạm thời để giải quyết khó khăn trước mắt. Nhưng rõ ràng, điều mấu chốt lúc này là phải có những giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất người lao động bị mất việc và cũng để giữ chân lao động tay nghề cao. Hơn lúc nào hết, sự sẻ chia lẫn nhau giữa người sử dụng lao động và người lao động là cách để cùng vượt qua khó khăn do Covid-19.

Tại doanh nghiệp lữ hành VietPromotion, một tháng trở lại đây, công việc không còn nhiều, nếu tất cả lao động cùng đi làm thì thực sự không cần thiết. Vậy là doanh nghiệp tổ chức cho người lao động luân phiên làm việc theo dạng bán thời gian. Tất nhiên, giãn việc thì thu nhập buộc giảm sút nhưng ít ra, những người lao động trong công ty không phải nghỉ hẳn công việc mà họ đã gắn bó lâu nay.

Lao động du lịch mất việc phải chuyển sang công việc mới, các doanh nghiệp cho rằng: phải chấp nhận đánh mất lao động có tay nghề cao trong thời gian này. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều đưa ra giải pháp sẵn sàng tiếp nhận lao động tay nghề cao, những lao động quen việc một khi du lịch phục hồi.

Cũng giống như những lần đối mặt với thiên tai, dịch bệnh trước đây, lúc khó khăn nhất cũng là lúc cần sự đồng lòng, sự sẻ chia. Ở góc độ lao động việc làm, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, nếu đơn vị sử dụng lao động và người lao động cùng sẽ chia lẫn nhau thì một điều chắc chắn, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường lao động nhanh chóng ổn định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.