Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với 72% lao động bị ảnh hưởng. Tại Khánh Hòa, nếu như năm 2019, số hồ sơ thất nghiệp mà Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh nhận được là 12.300 hồ sơ thì tính đến thời điểm hiện nay, con số này là 18.000 hồ sơ, tăng gấp rưỡi so với năm ngoái.
Một trong những điểm đáng lưu ý được Tổng Cục thống kê đưa ra, đó là tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Trước thực trạng này, bên cạnh nỗ lực kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và lao động, giải pháp chuyển dịch lao động được khuyến khích, giúp người lao động có việc làm, giải quyết những khó khăn trước mắt.
Ngay sau dịch COVID-19 tạm ổn định vào tháng 6, tháng 7/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho những tháng còn lại của năm. Đi cùng với đó là những thông tin tuyển dụng luôn được cung cấp đến người lao động qua rất nhiều kênh.
Đã có những phiên giao dịch trong tháng 5, tỷ lệ lao động được tuyển dụng đáp ứng 100% nhu cầu. Tuy nhiên thực tế hiện nay, cầu lớn gấp nhiều lần so với cung, chính bởi thế dịch chuyển lao động là điều cần thiết lúc này.
Hạn chế lớn nhất trong vấn đề dịch chuyển lao động, đó là phụ thuộc vào trình độ lao động, tay nghề, điều kiện kinh tế cũng như sở trường của người lao động. Hiện việc chuyển dịch chủ yếu tập trung ở giới trẻ. Chính vì thế, trong quá trình làm thủ tục thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa đã tăng cường giới thiệu những lớp học nghề có hỗ trợ, do các cơ sở dạy nghề thực hiện nhằm giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!