Điều tiết nguồn nước, thay đổi phương thức sản xuất phù hợp để ứng phó khô hạn

VTV9Cập nhật 20:56 ngày 20/02/2020

VTV.vn - Hiện đang vào giữa mùa Xuân nhưng nhiều sông suối, ao hồ ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đã xuống đến mực nước chết.

Do vậy, ngành nông nghiệp cùng chính quyền ở nhiều địa phương đã ra thông báo ngừng sản xuất ở một số vùng xa công trình thủy lợi trong vụ Đông Xuân này. Kế hoạch sử dụng nước cũng được tính toán kỹ theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước cho gia súc và nước cho cây trồng cạn.

Năm 2019, lượng mưa ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm. Lượng nước tích được ở các hồ chứa, công trình thủy lợi, thủy điện và nước bề mặt của sông suối cũng ít hơn cùng kỳ. Cụ thể, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ - Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 25 - 80%, cá biệt có sông thiếu hụt đến 90% so với cùng kỳ. Dự báo, từ tháng 3 - 5/2020, tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cục bộ ở ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có thể xảy ra ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ tháng 6 - 8, khô hạn sẽ lan rộng ra ở hầu hết các tỉnh trong khu vực.

Nắng hạn kéo dài không chỉ khiến việc trồng trọt của người dân gặp khó mà những đồng cỏ, nơi chăn thả rong gia súc cũng đang bị khô cháy hoặc thu hẹp dần. Đây thực sự là nỗi lo lớn đối với người chăn nuôi bởi nếu không có nguồn thức ăn không thể cứu đàn gia súc trong mùa nắng hạn. Đồng thời, chăn nuôi gia súc, nhất là gia súc có sừng cũng chính là nguồn sinh kế lâu dài của hàng nghìn hộ gia đình ở các tỉnh Nam Trung Bộ từ bao đời nay.

Thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, khiến cuộc sống của người dân vùng hạn nhọc nhằn hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này, ở nhiều địa phương đã có cách sản xuất phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình tưới nhỏ giọt hoặc phun sương tại các vườn trồng nho, măng tây theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình chuyển đổi từ cây lúa sử dụng nhiều nước tưới kém hiệu quả sang cây trồng cạn có lợi thế so sánh cao hơn.

Trong đợt khô hạn lịch sử năm 2015 - 2016, từ sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn vốn địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư nhiều công trình chống hạn. Tại Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận là địa phương có lượng mưa trung bình trên năm thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, ở thượng nguồn có nhiều sông suối giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng chảy về vùng hạ lưu, nên việc xây đập giữ nước, phục vụ chống hạn và các mục tiêu dân sinh khác đã được thực hiện.

Phương án chống hạn do tỉnh Ninh Thuận đưa ra là quyết liệt. Tuy nhiên, để việc ứng phó với khô hạn thực sự hiệu quả, giảm thiệt hại thấp nhất trong sản xuất và chăn nuôi, người dân phải thay đổi phương thức trồng trọt, chăn nuôi. Cụ thể hơn là phải có những mô hình thích ứng như: trồng cây ít sử dụng nguồn nước, có lợi thế so sánh cao; chăn nuôi có chuồng trại, có nguồn thức ăn dự trữ.


Khó duy trì đàn gia súc do vùng chăn thả bị thu hẹp và khô hạn Khó duy trì đàn gia súc do vùng chăn thả bị thu hẹp và khô hạn

VTV.vn - Ở tỉnh Ninh Thuận, chất lượng đàn gia súc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không thể kiếm đủ thức ăn cũng như thiếu nước uống cho gia súc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.