Doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì Định Khuê, Tây Ninh chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trung bình mỗi năm 200.000 tấn. Thông tin Hiệp định EVFTA sẽ được thực thi bắt đầu từ ngày 1/8, doanh nghiệp rất mừng, vì đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng vào thị trường có sức mua lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang rất lúng túng khi không nắm được các quy định khi vào thị trường này thì phải thực hiện như thế nào.
Cơ hội từ Hiệp định EVFTA là điều đã nhìn thấy rõ, thế nhưng cơ hội cũng sẽ mất đi nếu doanh nghiệp mù mờ về thông tin. Khi đó không những không tận dụng được các lợi ích từ hiệp định này mang lại mà còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên sân nhà khi mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế. Do đó vai trò từ những người đứng đầu ở các bộ ngành được đánh giá là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin và dữ liệu để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, hàng rào kỹ thuật chính là thách thức lớn đối với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi thâm nhập thị trường Châu Âu. Trong đó quy tắc xuất xứ được EU quy định hết sức rõ ràng thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết.
Bộ Công thương cho biết, thời gian tới sẽ xây dựng một sàn thương mại điện tử của Việt Nam với liên minh Châu Âu, qua đây các doanh nghiệp có thể xúc tiến thương mại và đầu tư, khai thác thị trường EU hiệu quả. Thế nhưng, theo các chuyên gia, đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý, các hiệp hội cần nỗ lực hơn nữa thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ các qui định bắt buộc. Nhưng đồng thời bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, có sự liên hệ chặt chẽ nhiều hơn với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại 28 quốc gia thành viên EU nhằm kịp thời nắm bắt thông tin và tận dụng hiệu quả lợi ích của EVFTA.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!