Từ 1/8 tới đây, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp ngành da giày kỳ vọng EVFTA sẽ giúp giải phóng lượng hàng tồn và mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất sau dịch. Tuy nhiên để phát huy được những lợi thế này, việc liên kết chuỗi cung ứng, ứng dụng tự động hóa và công nghiệp 4.0 là thách thức đặt ra. Đây cũng là nội dung chính tại "Hội nghị Quốc tế ngành Da giày năm 2020: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu da giày từ Hiệp định EVFTA" do Bộ Công Thương và Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam tổ chức.
Theo mục tiêu đề ra, năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, túi xách Việt Nam sẽ đạt 24 tỷ USD. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch, nên 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 9 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày chỉ đạt hơn 9 tỷ USD. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo kỳ vọng, ngay khi EVFTA được áp dụng, 37% các dòng thuế về da giày sẽ được hưởng thuế nhập khẩu về 0%; thị trường EU sẽ giúp ngành da giày tăng trưởng khoảng 10% trong những tháng cuối năm.
Thực tế cho thấy, toàn ngành da giày, túi xách Việt Nam với hơn 1.700 doanh nghiệp, thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu nên các doanh nghiệp da giày cần xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu đồng bộ, có như vậy mới tận dụng được cơ hội vàng để phát triển.
Khi EVFTA được áp dụng, 37% các dòng thuế về da giày sẽ về 0%. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Dự kiến, EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sang EU tăng thêm 43% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Tuy nhiên, việc bước vào sân chơi lớn với nhiều bỡ ngỡ và luật lệ, làm sao để doanh nghiệp hiểu, tận dụng được cơ hội là một thách thức được đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!