Khách qua phà Cồn Khương đã không còn lạ gì với hình ảnh người đàn ông cần mẫn bên cây độc cầm có một không hai. Đây cũng là phương tiện cùng ông Liêm mưu sinh hơn 40 năm qua. Cha mẹ mất sớm, ông tự học lỏm đờn guitar hồi năm 13 tuổi. Một ngày nọ, cây đờn kiếm cơm bị trộm lấy cắp, giận quá, ông mới chế ra cái đờn thau này. Một loại nhạc cụ mà kết cấu và cách chơi phá vỡ mọi quy tắc trong âm nhạc.
Chỉ với tấm ván, 2 cọng thắng xe đạp và cái thau nhôm làm hộp cộng hưởng, vậy là ông có cây đờn độc chiêu. Tay phải gảy đàn, tay trái dùng chai dầu thủy tinh ấn nốt. Khi thì da diết với những bản tình ca, lúc mùi mẫn theo điệu hò - xự - xang – xê - cống. Vừa bán vé số, ông vừa góp vui cho đời.
Có lẽ, cuộc đời lấy đi của ông đôi mắt, nhưng đã trả lại bằng những ngón đờn điêu luyện. Thanh âm kiêu hãnh khi cần và lặng thầm ai oán lúc không vui. Ông không buồn vì kiếp tật nguyền, chỉ chạnh lòng khi bị chính người thân bạc bẽo mà thôi.
Sống phiêu bạt, hành trang ông Liêm mang theo không có gì ngoài sự tử tế. Cũng vì quý mến đức tính đó mà người phụ nữ này chấp nhận gá nghĩa phu thê. Hơn 40 năm qua, dù không con cái, bà vẫn âm thầm cùng ông vượt qua sóng gió.
Cũng vì "thương" nên từ ngày vợ bị tiểu đường, cao huyết áp, ông vui vẻ một mình cáng đáng mọi chi tiêu. Với 200 tờ vé số, mỗi ngày ông Liêm lời được 200.000 đồng. Không nhiều nhưng cũng đủ thuốc thang, đủ trả tiền thuê trọ. Có hôm không may bị kẻ xấu giật mất vé số ông bán luôn tiếng đờn. Khách mua không vì bố thí mà vì ngưỡng mộ với một nghệ sĩ đường phố tài hoa. Tiếng đờn cứ thế ngược xuôi, len lỏi vào dòng người xuôi ngược, trầm bổng những giai điệu lạc quan, bất chấp ngày mai vô định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!