Hiện mỗi năm nước ta cần khoảng 11 triệu tấn phân bón. Tuy vậy, thực tế là nguồn cung đang tăng gấp 3 lần so với nhu cầu này. Điều đáng lo ngại là có khoảng 50% số phân bón trên thị trường hiện nay có nguy cơ là hàng giả, hàng kém chất lượng. Năm 2019, qua công tác kiểm tra, lấy mẫu, ngành chức năng tại ĐBSCL phát hiện đến hàng trăm trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng, trong đó có cả trường hợp phân bón giả. Theo các đại lý vật tư nông nghiệp, tình trạng này xuất hiện nhiều nhất là vào thời điểm nông dân bước vào sản xuất.
Ngành chức năng cho biết, hiện có hơn 25.000 sản phẩm phân bón đang lưu thông trên thị trường, trong đó, NPK là mặt hàng hay bị làm nhái, làm giả bởi đây là nhóm sản phẩm nông dân dùng rất nhiều. Lợi dụng điều này, không ít đơn vị sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng để thu lợi bất chính.
Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho nông dân mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng để giải quyết thực trạng này.
Bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra, xử lý, việc nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất đang là yêu cầu cấp bách với ngành phân bón nước ta, làm được điều này mới giải quyết được gốc của vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay. Ý thức được điều đó, trong thời gian qua, nhiều đơn vị đầu ngành không ngừng đầu tư, cải tiến dây chuyển sản xuất. Có thể thấy, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại là giải pháp căn cơ giúp nâng cao chất lượng, sản lượng phân bón nước ta. Sự đồng hành tích cực của các ông lớn bằng những hành động cụ thể như vậy sẽ góp phần làm lành mạnh hóa ngành phân bón Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!