Hiện giá lợn hơi đang lên cao. Dù trang trại chưa xuất hiện dịch bệnh, trong kế hoạch sản xuất sắp tới, ông Phạm Văn Rư (Giám đốc Công ty TNHH Dư Hoài, tỉnh Sóc Trăng) vẫn kiên quyết không tăng đàn lợn mà tìm đến vật nuôi khác. Trong khi đó, tại trại lợn của gia đình chị Nguyễn Kiều Nương (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), lợn mắc bệnh vừa bị tiêu hủy ước thiệt hại gần 900 triệu đồng. Tái đàn là điều mà chị không dám nghĩ vào thời điểm này. Tại ĐBSCL, đặc thù chăn nuôi lợn chủ yếu là hộ nhỏ lẻ, dưới tác động và do thiệt hại vừa qua của dịch tả lợn Châu Phi, gần như bà con không còn khả năng để tái đàn.
Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 63 tỉnh, thành cả nước với hơn 4 triệu con lợn phải tiêu hủy. Dịch bệnh hoành hành, thiệt hại nặng nề, chuồng trại bỏ không, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn vào cuối năm là rất lớn. Dự báo, Việt Nam sẽ thiếu khoảng nửa triệu tấn thịt vào cuối năm nay, tương đương 20% nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh việc sớm hỗ trợ về tài chính, các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường tư vấn các biện pháp an toàn sinh học để người chăn nuôi có thể tái sản xuất hiệu quả và bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!