Từ lâu nay, trong quy hoạch phát triển đô thị hay nông thôn mới, vấn đề xử lý rác thải chưa được quan tâm một cách đúng mức. Do đó, tâm lý "đưa rác ra khỏi khuôn viên nhà mình là xong" hiện còn khá phổ biến. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng rác thải bao vây khắp nơi.
Hai bãi rác lớn của thành phố Cần Thơ ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ và phường Phước Thới, quận Ô Môn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong nhiều năm qua, các bãi rác này luôn trong tình trạng cầm cự, buộc phải mở rộng để đủ khả năng tiếp nhận trung bình 600 tấn rác/ngày.
Trên thực tế, mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác thải được đổ ra môi trường ĐBSCL. Trong một thời gian dài, việc chôn lấp tại các bãi rác lộ thiên vẫn là cách làm nhanh nhất để xử lý lượng rác khổng lồ này. Hiện nay, tình trạng quá tải, chất thành núi ở các bãi rác là khá phổ biến. Các lò đốt rác sử dụng công nghệ lạc hậu, vận hành gây khói bụi, phát tán mùi hôi. Đây cũng là các "ổ" ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ mùi hôi, ruồi muỗi đến nước rỉ rác.
Việc phải sống ở gần bãi rác là một thảm họa. Để giải quyết vần đề đau đầu này, thành phố Cần Thơ đã kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ tiên tiến. Từ cuối năm 2018, nhà máy đốt rác phát điện đã chính thức đi vào hoạt động với kết quả bước đầu rất khả quan.
Việc giải phóng hàng triệu tấn rác cùng những hệ lụy về môi trường cũng có hướng mở mới và khả thi. Thành phố Cần Thơ đã có kế hoạch dần đóng cửa bãi rác, cải tạo, phục hồi môi trường tại 2 khu xử lý chất thải rắn ở huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn. Các địa phương cũng thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, xử lý triệt để lượng rác thải.
Môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, kể cả ở thành thị và nông thôn. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, cách làm của thành phố Cần Thơ dù muộn nhưng cũng đáng để suy nghĩ, xem xét nhân rộng trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!