Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng từ 70.000 đến hơn 160.000 tấn thành phẩm hóa chất bảo vệ thực vật. Trong đó có nhiều loại rất độc hại như thuốc diệt cỏ, diệt ốc, chuột… Ước tính lượng bao bì, vỏ đựng thuốc chiếm khoảng 10% khối lượng tổng số thuốc tiêu thụ. Như vậy lượng bao bì này cũng lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Số bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư điển hình như hiện nay.
Để giảm tác hại, nông dân ĐBSCL đang áp dụng mô hình 1 phải 5 giảm trong canh tác. Ngoài ra thói quen vứt bừa bãi vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật của nông dân cũng dần thay đổi. Bởi không chỉ vệ sinh môi trường, gom rác bà con còn được nhận quà.
Đây là một buổi tiếp nhận rác thải bảo vệ thực vật. Bà con nông dân rất hăng hái tham gia và xem như ngày hội. Bởi ngoài hội thảo, tư vấn bà con có thể đổi vỏ bao bì lấy đường, dầu ăn hoặc bình đựng nước đá... Sức lan tỏa của chương trình không phải từ những phần quà mà là từ ý nghĩa bảo vệ môi trường. Thói quen thu gom vỏ bao bì đã dần hình thành ở vùng nông thôn.
Hàng trăm mô hình với gần 1.000 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật nằm rải rác tại các xã xây dựng nông thôn mới. Hơn 7.000 nông hộ đã tham gia thu gom và đem đi tiêu hủy gần 100 tấn. Thế nhưng đây chưa phải là tất cả, vì lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn bên ngoài môi trường rất nhiều./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!