Tất nhiên, những trường hợp mất vệ sinh không phải là phổ biến, nhưng cũng đủ cho thấy một góc khuất lâu nay trong việc chế biến hải sản khô. Đó là mối nguy mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Liệu hải sản khô bày bán ở các chợ có đảm bảo vệ sinh hay không, có sử dụng chất cấm trong bảo quản hay không - đây thực sự là điều khó xác định, bởi đa phần hải sản khô được chế biến theo dạng nhỏ lẻ tại các gia đình ở vùng biển.
Thời gian qua, tại một số địa phương đã từng xảy ra những vụ việc nổi cộm xung quanh mặt hàng hải sản khô. Chẳng hạn hồi năm 2016, tại một làng biển ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở chế biến ruốc khô đã dùng bột màu để nhuộm đỏ cho ruốc. Bản thân những người chế biến cũng không lường hết mối nguy hại từ hành vi này.
Lẽ đương nhiên, người tiêu dùng bao giờ cũng mong muốn mua đúng mặt hàng hải sản khô có chất lượng, đảm bảo an toàn. Nhưng, đây thực sự là điều khó bởi ngay cả gói hải sản khô có nhãn hiệu thì cũng không cung cấp rõ ràng những thông tin về nguồn gốc, chất lượng.
Du khách đến Nha Trang ai cũng muốn mang về những gói hải sản khô, đúng nghĩa là mang về hương vị mặn mòi của biển sau một chuyến du lịch. Nhìn gói hải sản nào cũng bắt mắt... Nhưng, hầu như khách hàng nào cũng băn khoăn: gói hải sản mà họ đang chọn thực sự có chất lượng hay không? Nguồn gốc sản xuất như thế nào?
Lẽ ra, những băn khoăn đó sẽ được trả lời từ chính nhãn hiệu trên gói hải sản. Thế nhưng, cái gọi là nhãn hiệu trên gói hải sản khô chỉ là tên loại hải sản được đóng gói. Một số nhãn hiệu, chi tiết hơn thì có tên, số điện thoại nhưng là của quầy hàng bán lẻ, chứ không thể xác định được cơ sở sản xuất. Hải sản nhập về với số lượng lớn, được sang chiết thành những gói nhỏ. Khi đóng gói, những nhãn hiệu được gắn lên và tất nhiên là những nhãn hiệu mà ai cũng có thể in hàng loạt và ai cũng có thể dán lên được.
Một so sánh đưa ra: trong khi hải sản chế biến để xuất khẩu đều phải minh mạch chất lượng, phải truy xuất nguồn gốc thì đối với hàng hải sản chế biến cung ứng thị trường nội địa, truy xuất nguồn gốc, xác định chất lượng lại là khoảng trống. Và đó là sự không công bằng đối với người tiêu dùng trong nước. Một thực tế lâu nay, đối với mặt hàng hải sản khô tiêu thụ nội địa, truy xuất nguồn gốc, xác định chất lượng gần như bị bỏ ngỏ. Vì sao như vậy? Và đến bao giờ, chất lượng, nguồn gốc mặt hàng hải sản khô mới được minh bạch?
Vài năm trở lại đây, sản lượng hải sản chế biến tiêu thụ nội địa tăng trưởng với mức 10%/ năm. Về mặt giá trị, chế biến hải sản tiêu thụ nội địa đã đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Cũng vì thế, xây dựng nhãn hiệu cho hải sản khô để giúp người tiêu dùng nhận diện đâu là sản phẩm có uy tín, chất lượng cũng chính là cách để nâng giá trị mặt hàng hải sản khô ngay chính thị trường trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!