Việc phòng, chống dịch COVID-19 đang trong giai đoạn hết sức quyết liệt. Để đẩy lùi dịch bệnh, nước ta buộc phải chấp nhận những tổn thất kinh tế vô cùng nặng nề. Không việc làm, không thu nhập, nhiều lao động làm việc trong ngành du lịch hiện đang trong hoàn cảnh ảm đạm với những khó khăn trong cuộc sống gia đình. Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Khánh Hòa, cũng là ngành kinh tế đầu tiên gánh chịu tổn thất nặng nề do dịch COVID-19. Trong quý I/2020, mức tổn thất của ngành này đã lên đến 5.400 tỷ đồng và không dưới 17.000 lao động trong ngành tại đây bị cắt giảm.
Đại dịch COVID-19 không khác gì một cơn bão. Điều đáng nói là cơn bão này lại kéo dài dai dẳng, làm đảo lộn cuộc sống trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến số phận nhiều người. Vào giữa tháng 3, Tổ chức Lao động Quốc tế đã đưa ra con số có đến 25 triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm. Lĩnh vực du lịch đang dẫn đầu về số lao động bị mất việc. Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để gỡ khó cho người lao động trong ngành du lịch bị mất việc?
Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người lao động trên cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn. Chính phủ đã đưa ra dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Dự kiến sẽ có gói hỗ trợ an sinh lên đến 61.500 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là từ ngân sách. Trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ, có những trường hợp lao động bị mất việc.
Theo dự kiến, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên sẽ được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sẽ được vay không cần tài sản đảm bảo và không phải trả lãi suất từ ngân hàng chính sách để trả thêm một nửa tháng lương cho những lao động này, qua đó đảm bảo họ được hưởng gần bằng mức lương tối thiểu vùng bình quân. Lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
Không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhất là những người yếu thế. Bên cạnh gói hỗ trợ an sinh mà Chính phủ đang tích cực triển khai, hơn lúc nào hết đây là lúc cần sự chung tay, đồng lòng giữa doanh nghiệp và người lao động. Chung tay để cuộc sống của người lao động bớt khó khăn và ngay sau hết dịch, các doanh nghiệp sẽ có ngay nguồn lao động để nhanh chóng phục hồi kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!