Hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang khiến 120.000ha lúa và cây trái ở ĐBSCL bị thiệt hại, 96.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Có thể thấy hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2016, đi kèm là những hệ lụy lâu dài. Theo đó, phải mất nhiều năm đất mới được rửa mặn, cây ăn trái mới có thể phục hồi. Trong bối cảnh nguồn nước thượng nguồn đổ về ngày càng hạn chế, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng diễn biến dữ dội hơn, ĐBSCL cần phải có những giải pháp chủ động ứng phó.
Xây hồ trữ nước ngọt để ứng phó với hạn hán được xem là giải pháp khả thi để các tỉnh ĐBSCL ứng phó với hạn mặn. Tuy nhiên, vào thời điểm này, hồ trữ nước Kênh Lấp ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây, đang dần cạn trơ đáy. Hồ trữ nước ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn nhưng lại bị mặn xâm nhập mặn và sắp cạn nước.
Xem xét một cách khách quan, việc hồ chứa nước Kênh Lấp bị khô cạn cũng là lẽ đương nhiên. Trong mùa khô năm nay, hàng nghìn hộ dân đã lấy nước từ hồ này. Đây cũng là nguồn cung cấp cho nhà máy xử lý nước tại chỗ. Trong 6 tháng khô hạn, nhà máy lấy nước và người dân hút liên tục, nên hồ đã bị cạn. Chính vì vậy, nhiều địa phương vẫn tiếp tục các dự án xây hồ trữ nước.
Vào thời điểm này, tại vùng ĐBSCL đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm nay đã đi đến những ngày cuối. Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn tiếp tục xuất hiện ở ĐBSCL. Dù có một số ý kiến nghi ngờ nhưng việc xây hồ trữ nước vẫn là giải pháp khả thi. Khi các địa phương rút kinh nghiệm từ hồ trữ nước đầu tiên ở miền Tây, các hồ nước đang xây sẽ phát huy hết tác dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!