Học phí đại học ở Việt Nam đắt hay rẻ?

Đức Hạnh (VTV9)Cập nhật 22:17 ngày 22/06/2020

VTV.vn - Năm nay, có sự chênh lệch lớn trong học phí giữa trường đại học chưa tự chủ và tự chủ. Một số trường tăng học phí gấp 3-5 lần. Vậy học phí đại học Việt Nam đắt hay rẻ?

Ở các trường đại học công lập chưa tự chủ, hiện mức thu học phí vẫn theo khung của Nghị định 86. Người học chịu 50% chi phí đào tạo, 50% còn lại là ngân sách hàng năm của các bộ, ngành cấp cho trường trực thuộc.

Theo đó, mức trần học phí sinh viên khối xã hội, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản phải đóng là 9,8 triệu đồng/năm, khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch là 11,7 triệu đồng/năm, khối ngành y dược là 14,3 triệu đồng/năm.

Đối với trường đại học tự chủ tài chính, ngoài 23 trường đại học thực hiện thí điểm, năm nay, có thêm 14 trường đại học nữa. Tại 37 trường đại học này, trường phải chịu 100% kinh phí đào tạo, Bộ không tham gia đóng góp như trước. Do đó, mức học phí được tính trên cơ sở tính đúng, tính đủ để đào tạo 1 sinh viên. So sánh học phí giữa trường đại học tự chủ và chưa tự chủ tại Việt Nam, mức chênh lệch này từ 2,5 - 3 lần.

70 triệu đồng/năm là mức học phí mới trường Đại học Y Dược TP.HCM áp dụng cho sinh viên ngành răng hàm mặt. Đối tượng áp dụng là sinh viên năm nhất, niên khóa 2020 - 2021, tức thời điểm trường bắt đầu tự chủ tài chính. Theo nhà trường, mức thu này nhà trường vẫn chưa tính đúng, tính đủ, khả năng còn cao hơn.

Bản thân học phí khối Y Dược, khi chưa tự chủ, đã cao hơn các khối ngành khác từ 2,5 - 3 lần. Sau khi tăng lên 70 triệu đồng/năm, có ý kiến cho rằng: cũng chỉ bằng mức học phí nhiều trường đại học tư thục tại Việt Nam đang áp dụng với những ngành ít phải đầu tư cơ sở vật chất. Còn so sánh với nước gần nhất là Singapore, học phí sinh viên Y khoa phải đóng cho 1 năm học là 47.000 SGD, tương đương hơn 700 triệu đồng/năm, gấp 10 lần học phí mà trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng.

Điểm yếu của các trường đại học tại Việt Nam, dù trường công hay tư, thì nguồn thu cho việc đào tạo phụ thuộc hoàn toàn vào học phí. Điều đó cũng có nghĩa, toàn bộ chi phí đào tạo được đẩy về cho người học. Vì thế, dù học phí đại học Việt Nam được xem là rẻ, nhưng việc phải chịu mức chi trả từ 50% lên 100% vẫn là quá sức với nhiều gia đình, nhất là những gia đình ở nông thôn. Trong khi ở các quốc gia khác, ngoài nguồn thu học phí, các trường đại học còn có thêm nguồn thu nữa từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.