Trước đây, suối Cái quanh năm đầy nước, giờ đã cạn ngay từ đầu mùa nắng. Cả làng Raglai, nhà nào cũng vậy. Ngay cả nước uống cũng thiếu, chẳng ai trông mong sẽ trồng trọt được gì. Cả làng chạy ăn từng bữa. Những người lớn tuổi trong làng, dễ dàng nhận ra một điều rằng, càng ngày khô hạn càng dễ ập đến ngay chính những nơi mà trước đây, hiếm khi phải lo chuyện khô hạn. Cả ngọn đồi được phát dọn để trồng cây keo - kiểu làm kinh tế rừng quen thuộc ở miền núi Khánh Vĩnh. Đồi núi quanh làng, trước đây toàn là rừng, giờ đều là đất rẫy. Ở xã Khánh Phú, đất sản xuất nông nghiệp chỉ là 1.300 ha, trong khi đất lâm nghiệp lên đến 11 ngàn ha, gần như toàn bộ quỹ đất lâm nghiệp dành để phát triển rừng trồng. Nhưng, rừng kinh tế không thể thay thế cho rừng nguyên sinh trước đây.
Chỉ tính từ năm 2015 đến năm 2018, cả nước đã mất đến 4 ngàn ha rừng tự nhiên, nghĩa là mỗi năm có đến 1 ngàn ha rừng bị xóa sổ. Suy giảm rừng nguyên sinh đã được các chuyên gia lâm nghiệp lên tiếng từ nhiều năm qua bởi 1 ha rừng nguyên sinh có giá trị đa dạng sinh học, có vai trò về môi trường hơn cả hàng chục ha rừng kinh tế. Một khi mất rừng nguyên sinh, cuộc sống của những con người trước đây gắn với rừng, giờ thực sự bị đảo lộn bởi khô hạn khốc liệt. Đó là hệ lụy khó tránh khỏi.
Không dễ để có được một khu rừng trồng, nhất là khi đất trồng rừng nằm ở địa bàn cách trở. Tiền thuê nhân công, tiền thuê máy móc bởi thế là gánh nặng. Cách để giảm chi phí mà nhiều người lựa chọn là trồng rừng đồng loạt, trồng thuần loài. Vậy là đến lúc khai thác, chủ rừng cũng buộc phải khai thác đồng loạt. Cả một ngọn đồi này, ngày hôm trước phủ xanh bởi rừng keo, ngày hôm sau bỗng trở thành đồi trọc. Đó là bởi rừng keo đã được khai thác trắng. Sức ép từ bài toán lợi nhuận đã khiến cho những người trồng rừng thường bỏ qua một khuyến cáo mà các chuyên gia đã đưa ra, không nên khai thác đồng loạt rừng trồng.
Kinh tế rừng đã có bước phát triển nhanh trên cả nước với con số 4,2 triệu ha rừng trồng. Bên cạnh mang lại nguồn lợi lâm sản, rừng trồng phải có vai trò đối với môi trường. Yêu cầu là vậy, thế nhưng, trong thực tế, những cánh rừng trồng không phải lúc nào cũng mang lại hệ sinh thái như cộng đồng mong đợi. Vẫn còn đó kiểu ồ ạt tăng nóng rừng trồng, thậm chí từng xảy ra vụ việc phá rừng nguyên sinh để lấy đất trồng rừng kinh tế, để rồi làm tăng thêm khô hạn vào lúc này. Những năm gần đây, khi thiên tai dồn dập ở các tỉnh Nam Trung bộ, nhiều ý kiến cho rằng: đã đến lúc phải nhìn thẳng vào những con số tăng trưởng rừng kinh tế. Lẽ ra, những cánh rừng trồng sẽ cứu nguy cho vùng đất nắng hạn, thế nhưng trong thực tế lại phát sinh hàng loạt nghịch lý.
Như vậy, một góc nhìn khác về nguyên nhân gia tăng khô hạn chính là sự suy giảm tài nguyên rừng. Bởi vậy, ở nhiều quốc gia, khi phát triển rừng trồng, yêu cầu đặt ra nghiêm ngặt là tuân thủ các quy chuẩn phát triển rừng bền vững và khi đó, kinh tế rừng hoàn toàn có thể góp phần giảm nhẹ thiên tai. Vậy như thế nào là phát triển rừng bền vững? Đã từ lâu, lâm nghiệp thế giới đã biết đến quy chuẩn trồng rừng bền vững FSC. Đây chính là cách để những người làm kinh tế rừng thực thi cam kết có trách nhiệm đối với tài nguyên rừng và cũng là cách dể góp phần giảm nhẹ thiên tai./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!