Ngày 12 tháng 02, một đối tượng đã dùng tài khoản Facebook nhắn tin hỏi mua 5 cây khoan của một thanh niên. Sau khi đồng ý giá bán là 5 triệu đồng, người mua gửi đường link một trang web ngân hàng yêu cầu anh nhập số tài khoản, mật khẩu và cả mã OTP vào. Chỉ vài phút sau, trên 43 triệu đồng trong tài khoản của anh đã bị chuyển cho người khác.
Vài ngày trước, một người sử dụng Zalo tên Minh Hằng kết bạn với một nạn nhân khác và đặt mua hơn 400 con cá cảnh với giá 5 triệu đồng. Gửi hàng xong, điện thoại anh có tin nhắn báo đã nhận được tiền kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản, mật khẩu, mã xác nhận. Thực hiện các bước trên, số tiền 12,7 triệu đồng trong tài khoản của anh đã không còn đồng nào.
Theo Công an tỉnh Cà Mau, đây là kiểu lừa đảo mới, có tính chất tinh vi. Sau khi thoả thuận giá mua hàng, đối tượng lừa đảo làm giả tin nhắn đã chuyển tiền gửi tới bị hại. Muốn nhận số tiền này, bị hại phải nhập tài khoản, mật khẩu vào trang web chuyển tiền giả mạo mà chúng gửi qua. Sau đó, chúng dùng tài khoản, mật khẩu do bị hại cung cấp để đăng nhập vào trang web ngân hàng thật. Nhận được yêu cầu rút tiền ngân hàng sẽ gửi cho bị hại mã OTP. Đối tượng lừa đảo lại yêu bị hại nhập mã OTP vào trang web giả mạo và đánh cắp mã này nhập vào trang web thật của ngân hàng để rút tiền.
Bước đầu điều tra, có 2 nạn nhân ở Cà Mau đã bị lừa, chiếm đoạt trên 60 triệu đồng. Tất cả đều là những người chuyên kinh doanh hàng online.
Trước đây trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện các kiểu lừa đảo như sử dụng internet để rao bán hàng với giá rẻ, trang mạng xã hội Zalo, Facebook mạo danh người thân hoặc cán bộ nhà nước để chiếm đoạt tài sản. Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân không cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản của mình cho người khác. Khi phát hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn thủ đoạn trên./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!