Theo dự thảo mới này, thu nhập 11 triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế. Người lao động nếu có người phụ thuộc như con cái hay bố mẹ sẽ được miễn thuế thêm 4,4 triệu đồng tiếp theo cho một người phụ thuộc.Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến đáng để suy ngẫm.
Theo các chuyên gia, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay bị đánh giá là còn cứng nhắc và chưa dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, cũng chưa căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Ở một khía cạnh khác, có không ít ý kiến cho rằng thay vì tăng mức giảm trừ gia cảnh trên cơ sở tốc độ tăng của CPI như đề xuất, có thể tính đến cơ sở thu nhập và chi tiêu thực tế của người dân, như vậy sẽ hợp lý hơn.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, chỉ số CPI là căn cứ duy nhất theo Luật Thuế thu nhập cá nhân để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 quy định, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Do vậy, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất mới đây phải theo tuân thủ theo sự biến động của giá cả CPI.
Nếu dự thảo trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, dự kiến mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ được áp dụng từ kỳ tính thuế của năm 2020. Tuy nhiên, đa số người dân đều mong muốn mức nộp thuế này cần nới rộng hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!