Cuộc sống hiền hòa của hơn 100 hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở Làng Chăm cứ nhẹ nhàng trôi qua. Hầu hết họ đều có quê gốc ở An Giang, di cư lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ trước. Người Chăm rất quan trọng việc xây dựng nhà cửa, phụ nữ Chăm thì rất tháo vát mọi công việc gia đình. Người Chăm tại đây theo đạo Islam và thường gọi mình là Chăm Islam. Họ chỉ dùng những sản vật địa phương do họ nuôi trồng đánh bắt được, như rau củ quả, gà, vịt, cá, và theo quy định tôn giáo, họ không dùng thịt heo, không được uống rượu. Trẻ con thì ngoài giờ đi học ở trường, hàng ngày còn đến các lớp học giáo lý để học tiếng Chăm.
Một nét văn hóa đặc trưng khác là trang phục của đồng bào Chăm là đều mặc sarông, trong cả việc học hành, giao tế, tiệc tùng. Đối với người nam thì đội nón vải, còn phụ nữ thì choàng khăn Matơra. Vẫn đêm đêm ra đặt vó, sáng sáng ra gỡ vó, người thì cạo mủ cao su, người đi làm xa nơi thành phố, không khí làng Chăm dường như lúc nào cũng yên ả, những nét văn hóa Chăm dường như được lưu giữ rất tự nhiên qua người già, người trẻ, từng chút, từng chút một qua năm tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!