Đó là các tuyến đường: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song Hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá.
Trong các trận mưa lớn vừa qua, các tuyến đường này ngập nước từ 10-30cm. Thời gian ngập nước sau mưa kéo dài từ 10-40 phút. Việc đánh giá được xem xét lúc mưa vừa kết thúc, nước vẫn còn ở mặt đường. Chiều sâu được đo tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường.
Đó là thống kê những trục đường chính ngập nước do mưa. Trong khi đó, tình trạng ngập nước trong các con hẻm không phải là ít và chủ yếu là do triều cường kết hợp mưa. Hiện mới đầu mùa mưa nên tình trạng này chưa xảy ra, tuy nhiên điều người dân lo lắng là không biết đối phó thế nào khi mùa mưa đang dần vào cao điểm. Nhắc đến triều cường thì không thể không nhắc đến chuyện biến đổi khí hậu mà TP.HCM đã và đang được cảnh báo.
Một nghiên cứu từ Công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ mới đây cho biết: TP.HCM - đô thị lớn nhất của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thảm họa lũ lụt ngày càng tăng. Nguy cơ xảy ra thảm họa này có thể tăng gấp 5 - 10 lần vào năm 2050, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và cơ sở hạ tầng lên tới hàng tỉ USD. Phân tích dựa trên các mô phỏng thủy văn, bản đồ sử dụng đất, cơ sở dữ liệu cơ sở hạ tầng và các đường cong thiệt hại.
Theo TS Trần Long Phi, việc chống ngập ở TP.HCM đã đạt thành quả nhất định khi giảm nhiều chỉ số quan trọng, nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
Để ứng phó với nước biển dâng, sụt lún đất, TP.HCM đang đầu tư hàng loạt công trình chống ngập theo hướng bền vững. Như rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, sau một thời gian thuê máy bơm chống ngập thì hiện đang được nâng đường, cải tạo hệ thống thoát nước. Dự án giải quyết ngập do triều có xét yếu tố biến đổi khí hậu đang bước vào giai đoạn nước rút trước khi vận hành vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thì không chỉ trông chờ vào mỗi công trình này.
Câu chuyện đặt ra không chỉ là vấn đề đồng bộ, mà còn nhắc đến một vấn đề khác quan trọng không kém trong chống ngập. Ngập do mưa, do triều, do thiên tai… là chuyện không tránh khỏi. Nhưng có những nguyên nhân bị ngập do con người trực tiếp gây ra, lại trở nên nhức nhối. Đó là câu chuyện nhân tai.
Đại lộ Phạm Văn Đồng - con đường được đầu tư bài bản nhiều năm nay vẫn nằm trong danh sách ngập. Lí do là cửa thoát nước trên mặt đường thì bị người dân bít lấp. Còn ở bên dưới thì cũng tắc. Chính vì vậy mà cứ mỗi lần mưa, đường ngập trong cả nước và rác.
Theo các chuyên gia, tình trạng ngập do con người gây ra còn nguy hiểm hơn, khi tác động trực tiếp đến thiên nhiên, làm ảnh hưởng đến quy luật sinh thái. Việc mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà không có chỗ cho nước là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Để tránh tình trạng chống chỗ này ngập chỗ khác, TP.HCM hiện đang lên quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa đến năm 2045, xét đến giải quyết nhiều nguyên nhân.
Ngập do thiên tai hay nhân tai? Quan điểm của tiến sĩ Trần Du Lịch phần nào đã thể hiện rõ: cái gì do con người gây ra thì phải giải quyết trước. Mỗi chúng ta không vứt rác vừa bãi, đối xử với môi trường vô tội vạ thì xem như một hành động góp phần cùng thành phố chống ngập, giảm bớt nỗi vất vả của chính chúng ta./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!